Một khách du lịch xem bằng chứng về tội ác của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tại Cánh đồng chết. Ảnh: AFP. |
Duch đã thừa nhận trách nhiệm đã tổ chức việc tra tấn và giết hại khoảng 15.000 người trong những năm 1975 đến 1979, tại nhà tù Toul Sleng.
Luật sư biện hộ cho y là Francois Roux phát biểu tại tòa, rằng tòa án nên tiếp tục công việc xét cử các thủ lĩnh Khmer Đỏ, nhưng cần phải thả Duch ngay lập tức, bởi cho rằng người này đã bị giam giữ bất hợp pháp một thời gian dài, từ năm 1999.
"Chúng tôi tới trước các ngài để yêu cầu các ngài chấm dứt việc giam giữ Duch, bởi thời hạn giam giữ đã vượt quá quy định theo luật pháp Campuchia, và cũng vượt quá giới hạn cho phép của các luật quốc tế", Roux nói.
"Tôi xin lỗi vì đã đưa vấn đề này ra trước các ngài. Giờ đây đó là vấn đề của các ngài và không thể lẩn tránh được".
Tiếp đó, Roux yêu cầu quan tòa trừ đi số năm tù mà Duch đã ở khi tuyên án cho người này, yêu cầu giảm nhẹ án để đền bù cho sự vi phạm quyền của Duch.
Duch tại tòa hôm qua, Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên công tố viên đề cập đến các phán quyết có từ trước không chấp nhận việc thả Duch. Theo đó, tòa án đặc biệt bao gồm các thẩm phán Campuchia và quốc tế này không được quyền thả ông ta.
Trong giai đoạn tiền xét xử, tòa án cũng đã bác bỏ yêu cầu trả tự do cho Duch, do lo ngại các vụ trả thù nhằm vào y.
Duch là kẻ đầu tiên trong số 5 cựu lãnh đạo của Khmer Đỏ sẽ ra hầu tòa. Ông ta bị bắt giam năm 1999, khi đang làm nhân viên cứu trợ của một tổ chức Công giáo. Lệnh bắt chính thức của tòa án đặc biệt được đưa ra tháng 7/2007.
Chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia, nắm chính quyền từ năm 1975 đến 1979 với chính sách tàn bạo, đã gây ra cái chết của khoảng 1,7 triệu người Campuchia. Pol Pot, thủ lĩnh của Khmer Đỏ, chết năm 1998. Nhiều kẻ cầm đầu khác của Khmer Đỏ giờ đã già, và công luận đang lo ngại rằng họ có thể được chết già trước khi phải ra đối mặt với công lý.
Nhà tù Toul Sleng, nơi Duch làm giám đốc, là một bộ máy tra tấn dã man những người bị tình nghi là có ác cảm với chế độ Khmer Đỏ. Các nạn nhân bị giam, đánh đập cho đến chết ở đây hoặc bị đưa ra tàn sát ở một vườn cây ở ngoại ô Phnom Penh - Cheng Euk. Nơi này giờ đây nổi tiếng với cái tên "cánh đồng chết".
T. Huyền (theo AFP)