Chiều 13/12, luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho cựu phó chủ tịch thành phố Trần Vĩnh Tuyến (56 tuổi), sau khi thân chủ bị VKS đề nghị mức án 7-8 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.
Ông Tuyến bị cáo buộc, là Phó chủ tịch UBND thành phố phải biết dự án nhà ở phường Phước Long B, quận 9 (nay thuộc TP Thủ Đức, do Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - Sagri quản lý) trước khi chuyển nhượng cho Công ty Phong phú phải thẩm định giá theo giá thị trường, thực hiện đấu giá... Tuy nhiên, ông đã dựa vào đề xuất của Lê Tấn Hùng (58 tuổi, Tổng giám đốc Sagri) và tham mưu của các sở ngành, chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng khi chưa đủ các điều kiện trên.
Quyết định của ông Tuyến đã giúp bị cáo Hùng và đồng phạm thực hiện hành vi sai phạm gây thiệt hại 672 tỷ đồng của Nhà nước.
Theo luật sư, cần xem xét bối cảnh thực hiện hành vi sai phạm của ông Tuyến là xuất phát từ sự phân công của UBND TP HCM. Do dự án của Sagri hợp tác kinh doanh không thuộc ngành nghề kinh doanh chính. Năm 2015, sau khi thanh tra, UBND yêu cầu công ty có phương án cơ cấu lại và thực hiện việc thoái hết số vốn đã đầu tư.
Tuy nhiên, như cáo trạng đã nêu, Sagri vẫn tiếp tục các thủ tục thực hiện phương án triển khai dự án. Bị cáo Hùng với tư cách là người đứng đầu công ty đã ký bản thỏa thuận về giá trị chuyển nhượng dự án với Công ty Phong Phú.
Quá trình chuyển nhượng, Sagri đã xin ý kiến hướng dẫn của các bộ ngành liên quan. Công ty được hướng dẫn thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 và các luật chuyên ngành khác.
Trong khi đó, theo Luật Kinh doanh bất động sản, việc chuyển nhượng dự án không cần phải tổ chức tiến hành đấu giá công khai, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường. Còn theo Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp thì lại buộc phải đấu giá.
"Như vậy pháp luật chưa quy định rõ về trình tự, thủ tục chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ làm chủ đầu tư", luật sư Hoài nêu quan điểm. Tương tự, cũng trình tự thực hiện về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước hay sau, thực hiện quy định về chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản cũng chưa rõ.
Theo luật sư, đây chính là nguyên nhân các cơ quan tham mưu, Hội đồng thẩm định của thành phố và Bộ Tài chính lại hướng dẫn Sagri phải thực hiện việc chuyển nhượng dự án theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 (không cần tổ chức tiến hành đấu giá công khai, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường). Trong đó, việc chuyển nhượng phải đảm bảo quy định tại Điều 48, Điều 49 Điều 50 của luật này.
"Sự lúng túng trong nhận định và đánh giá của các bộ ngành, các cơ quan tham mưu góp phần lý giải đây là một phần nguyên nhân của các sai phạm đã diễn ra, chứ không phải xuất phát từ nhận thức của ông Trần Vĩnh Tuyến biết sai mà vẫn cố ý thực hiện hành vi", luật sư Hoài nói.
Về thiệt hại của vụ án, luật sư cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng giữa Sagri và Công ty Phong Phú (ngày 22/12/2017) đã vô hiệu vì "vi phạm điều cấm của luật", ngày 10/6/2019 hai bên đã huỷ hợp đồng. Theo đó, giao dịch chuyển nhượng đã được ngăn chặn nên chưa phát sinh hậu quả thiệt hại. Việc này đều diễn ra trước thời điểm khởi tố vụ án. "Như vậy cáo trạng xác định ông Trần Vĩnh Tuyến gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 672 tỷ đồng là chưa bảo đảm căn cứ cả về mặt pháp lý và trên thực tế", luật sư nêu.
Ngoài ra, luật sư cũng để nghị HĐXX ghi nhận quá trình điều tra, xét xử, ông Tuyến đã nhìn nhận một cách trung thực về hành vi, thiếu sót của mình và tự nhận trách nhiệm. Từ đó, luật sư đề nghị toà cân nhắc, đánh giá một cách khách quan, thấu tình đạt lý và các tình tiết giảm nhẹ khác để miễn trách nhiệm hình sự cho thân chủ.
Đồng ý với toàn bộ quan điểm của luật sư, ông Tuyến không bào chữa thêm.
Là người tham mưu cho ông Tuyến ký quyết định chấp nhận cho Sagri chuyển nhượng dự án, ông Trần Trọng Tuấn (nguyên giám đốc Sở Xây dựng) bị VKS đề nghị 7-8 năm tù về cùng tội danh.
Tự bào chữa cho mình, ông Tuấn cho rằng không thực hiện các hành vi vi phạm như cáo trạng quy kết. Ông thừa nhận từng khai "có phần cả nể bị cáo Lê Tấn Hùng là em trai của một cựu lãnh đạo TP HCM", song đó chỉ là biểu hiện tình cảm cá nhân chứ không lý giải cho bất cứ hành vi vi phạm. "Sự cả nể ở đây không phải là sự thỏa hiệp để cố ý biết sai mà vẫn làm", ông Tuấn phân trần.
Cựu giám đốc Sở Xây dựng cũng khẳng định không chỉ đạo, thúc ép cấp dưới hay vì động cơ tư lợi mà làm trái pháp luật. "Gần 30 năm làm cán bộ, công chức, bị cáo không bao giờ dám nghĩ đến việc làm sai hay vi phạm pháp luật dù bất cứ lý do gì", ông Tuấn nói thêm và đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét, đánh giá toàn diện sự thật khách quan để không làm oan sai cho mình.
Bào chữa cho ông Tuấn, các luật sư cũng cho rằng, thân chủ đã căn cứ vào quy định của Luật kinh doanh bất động sản 2014 khi tham mưu cho UBND là đúng. Từ đó, các luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Tuấn không phạm tội.
Với vai trò chủ mưu trong vụ án, ông Lê Tấn Hùng bị VKS đề nghị 26-30 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí và Tham ô tài sản.
Khi tự bào chữa, ông Hùng khóc, cho rằng việc chuyển nhượng dự án là làm theo chủ trương, chỉ đạo của thành phố. Việc ông chỉ đạo nhân viên làm hồ sơ khống rút hơn 13,3 tỷ đồng của công ty không phải để tham ô, chia nhau sử dụng mà để lo cho cán bộ nhân viên đi tham quan học tập nước ngoài.
Liên quan đến vụ án, 13 bị cáo khác bị truy tố với vai trò đồng phạm với ông Hùng, ông Tuyến bị VKS đề nghị mức án 4-28 năm tù.
VKS đề nghị tuyên phạt 3 bị cáo Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Che giấu tội phạm mức án 3 năm tù treo đến 3 năm tù giam.
Hải Duyên