Trong ngày 22/3, ba trong năm luật sư đăng ký bào chữa cho ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) đã trình bày quan điểm trong ngày làm việc thứ tư phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và sáu đồng phạm.
Trong phần buộc tội nêu cùng ngày, VKS xác định ông Đinh La Thăng ký Thỏa thuận để PVN góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) với ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT Oceanbank) nhưng không thông qua HĐQT. Hậu quả toàn bộ số 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Ngân hàng Oceanbank.
Ông Thăng bị VKS đề nghị mức án 18-19 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) với các nhận định đã giấu tội, chối bỏ trách nhiệm, coi thường pháp luật, cố ý làm trái…
>> Luật sư Phan Trung Hoài trình bày bào chữa
Trước những cáo buộc về thân chủ, luật sư Phan Trung Hoài đã trình bày bài bào chữa dài gần 30 trang giấy trong gần hai giờ đồng hồ. Ông cho biết, đã nghe rõ những lời bào chữa của ông Thăng nhưng tiếc khi chưa được tiếp cận chứng cứ mà Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính nói trong các phiên trước.
Luật sư cho rằng, vấn đề mấu chốt nhất của vụ án là "PVN đầu tư vào Oceanbank là có được phép hay không". Và ông minh chứng bằng quyết định của Chính phủ về hoạt động của PVN, trong đó có cả đầu tư vào tài chính tín dụng.
Theo luật sư bối cảnh của PVN góp vốn Oceanbank là để giải quyết hệ lụy mà ngân hàng Hồng Việt (ngân hàng thành lập hụt của ngành dầu khí) để lại. Những thành viên HĐQT như ông Nguyễn Ngọc Sự, Nguyễn Xuân Sơn, Trần Ngọc Cảnh…được phân công tìm kiếm ngân hàng phù hợp để chuyển toàn bộ ban điều hành, cơ sở vật chất ngân hàng Hồng Việt sang đó góp cổ phần.
"Nếu những người này đã biết bối cảnh nêu trên thì sao trước toà lại nói là không biết chủ trương góp vốn của PVN?", luật sư nói và cho rằng cụm từ trong cáo trạng kết luận "các thành viên HĐQT không biết về việc này" cần được kiểm tra và điều chỉnh hợp lý.
>> Ông Đinh La Thăng tự bào chữa trong sáng 22/3
Nêu số liệu PVN góp 400 tỷ đồng vào năm 2008, 300 tỷ năm 2010 và 100 tỷ năm 2011, ông Hoài nói rất bất ngờ và suy nghĩ không biết vì sao HĐXX lại đi hỏi ngay về khoản góp vốn 100 tỷ với các bị cáo mà không phải 700 tỷ trước đó. Và ông lý giải rằng khoản đầu tư 700 tỷ đã được chấp thuận của Ngân hàng nhà nước, Chính phủ, có sự tham mưu của Bộ Tài chính nên ông Thăng không cố ý làm trái.
Về khoản góp vốn lần ba trị giá 100 tỷ đồng, luật sư cho rằng nội dung cáo trạng cũng như phần luận tội của VKS chưa chính xác. Bởi nếu chỉ đề cập hành vi ông Đinh La Thăng “ký ban hành Nghị quyết” thì trong cả ba đợt góp vốn của PVN tại Oceanbank, ông Đinh La Thăng chỉ ký ban hành Nghị quyết lần đầu. Còn lần góp vốn thứ ba, nghị quyết do ông Nguyễn Xuân Thắng (cựu thành viên HĐQTV) ký.
Luật sư giải thích, do ông Đinh La Thăng vào thời điểm đó là đại biểu Quốc hội, có chuyến công tác dài ngày để tiếp xúc cử tri nên ủy quyền điều hành hoạt động của HĐTV PVN cho các ông Hoành Xuân Hùng và Nguyễn Xuân Thắng từ ngày 16/5 đến 18/5/2011.
Luật sư nhận định, kết quả thẩm tra công khai tại phiên tòa cho thấy, có căn cứ để khẳng định mặc dù việc góp 100 tỷ đồng đợt thứ ba của PVN tại Oceanbank về mặt pháp lý là vi phạm Khoản 2 Điều 55 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, nhưng chưa đủ căn cứ quy buộc trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý làm trái.
Mặt khác, tại phiên tòa, ông Thăng đã chỉ ra một bằng chứng khách quan là vào tháng 3/2011 HĐTV đã ban hành Nghị quyết về việc PVN thoái vốn để bảo đảm tỷ lệ sở hữu, cũng như kế hoạch cân đối vốn năm 2011 hoàn toàn không có việc góp thêm vốn vào Oceanbank thì làm sao ông lại biết và chấp nhận việc PVN góp thêm 100 tỷ đồng đợt thứ ba.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: Nguyên tắc suy đoán vô tội đã bị quên
Là luật sư thứ hai nêu phần bào chữa cho ông Thăng, luật sư Thiệp nói: "Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, nguyên tắc suy đoán vô tội đã bị ‘quên’ ở vụ án này. Tất cả những xem xét đều mang tính buộc tội”.
Ông Thiệp nói pháp luật quy định nghĩa vụ chứng minh bao gồm cả chứng minh bị can không phạm tội. Song ông "không tìm thấy bất kỳ chi tiết nào" cho thấy cơ quan công tố đã thẩm tra chứng minh bị can không phạm tội.
Theo ông Thiệp, thân chủ bị cho là vi phạm trong việc quyết định đầu tư tiền vào Oceanbank khi chưa họp HĐQT trước khi ký thỏa thuận và chưa xin ý kiến Thủ tướng trước khi ký nghị quyết góp vốn. Nhưng ông Thiệp cho rằng chưa có văn bản nào quy định quy trình đúng là phải ký nghị quyết sau khi xin ý kiến Thủ tướng.
'Phải khen thưởng cho PVN'
Tiếp tục trình bày bài bào chữa, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nói nếu không có việc dừng thoái vốn của Chính phủ thì vốn của PVN đã được thu hồi. Hơn nữa ở thời điểm trước 2015 PVN còn được Oceanbank chia lợi tức hơn 200 tỷ đồng. Vậy nếu không có việc dừng thoái vốn, việc mua Oceanbank giá 0 đồng thì "còn phải trao thưởng huân, huy chương khen thưởng" cho PVN vì đã đầu tư tiền.
Cho rằng đánh giá về hậu quả thiệt hại là thành tố quan trọng nhất để chứng minh tội phạm, luật sư Phan Trung Hoài tiếp lời cho rằng: "Nguyên nhân mất 800 tỷ của PVN do ông Đinh La Thăng và các đồng phạm cố ý làm trái hay do Chính phủ đã đồng ý cho thoái vốn sau đó lại cho dừng thoái vốn? Hay do Ngân hàng Nhà nước quyết định mua Oceanbank giá 0 đồng?". Câu trả lời cho vấn đề này theo luật sư nằm trong chính hồ sơ vụ án.
Luật sư đánh giá việc thoái vốn của PVN ở Oceanbank đã được HĐQT tập đoàn này ra nghị quyết, được Thủ tướng giao Phó thủ tướng chấp thuận thông qua đề án tái cơ cấu cho chuyển nhượng vốn của PVN. Thủ tướng cho phép tới năm 2015 PVN được thoái toàn bộ vốn ở Oceanbank. Nhưng sau đó Văn phòng Chính phủ lại có văn bản do Phó Thủ tướng ký chỉ đạo dừng thoái vốn giao cho Ngân hàng Nhà nước xử lý.
Cuối năm 2014 PVN gửi công văn xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước về việc thoái vốn nhưng không được trả lời. Tất cả việc thoái vốn đều diễn ra sau khi ông Đinh La Thăng rời PVN. Cho tới năm 2014, việc góp 800 tỷ vốn vào Oceanbank của PVN là có hiệu quả.
Luật sư Hoài còn công bố một văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2013 chấp thuận đề án tái cấu trúc, cho phép Oceanbank tăng vốn điều lệ lên 5.350 tỷ đồng để đảm bảo giảm cổ phần của các cổ đông lớn cho đúng quy định trong đó có PVN. Việc thoái vốn của PVN được các bộ ngành như Bộ Công thương đồng ý.
Luật sư đề nghị tuyên vô tội
Luật sư thứ ba bào chữa cho ông Thăng, ông Lê Văn Thiệp cho rằng việc mua Oceanbank với giá 0 đồng là hoàn toàn trái với Hiến pháp. Theo luật sư, nguyên tắc của Hiến pháp là tôn trọng quyền tài sản của cá nhân, tổ chức. Hơn nữa, tại tòa, nhân chứng Hà Văn Thắm khai, 13 ngày sau khi có kết luận thanh tra, OceanBank đã thu hồi được 8.000 tỷ đồng. Gần 10.000 tỷ đồng đã thu lại được, theo luật sư ‘đương nhiên là tài sản của các cổ đông’.
Vì vậy, luật sư đặt câu hỏi “Quyết định mua 0 đồng đó còn chưa làm rõ được thì vụ án này xét xử trên cơ sở đánh giá nào?”.
Luật sư Thiệp đề nghị HĐXX tuyên ông Đinh La Thăng không phạm tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông còn đề nghị HĐXX kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, tố tụng xem xét trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, ông Thiệp cũng đề nghị HĐXX kiến nghị hủy quyết định mua Oceanbank giá 0 đồng.
Ông Đinh La Thăng: Dù tuyên mức án nào cũng ấm lòng
Sau khi nghe phần bào chữa của các luật sư, ông Thăng nói hoàn toàn đồng ý với các quan điểm đó. Ông cảm ơn các luật sư đưa ra sự thật khách quan, đúng sự việc. Vì thế, dù bản án sẽ tuyên ở mức độ nào cũng ‘cảm thấy ấm lòng’. Tuy nhiên, ông bày tỏ xót xa trước những cáo buộc của cáo trạng và cho rằng ‘không còn đủ thời gian, để thi hành án’.
Không riêng các luật sư bảo vệ ông Đinh La Thăng, chiều nay các luật sư bào chữa cho các bị cáo: Vũ Khánh Trường, Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Thanh Liêm đều cho rằng thân chủ mình không cố ý làm trái. Hơn nữa, việc góp vốn 800 tỷ vào Oceanbank không gây ra thiệt hại. Bởi, PVN mất 800 tỷ là do Oceanbank bị mua giá 0 đồng. Trong khi việc Oceanbank bị mua 0 đồng còn nhiều điều vô lý.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc.