Tiến sĩ luật học Phạm Hồng Hải. |
- Luật sư nhận lời bào chữa cho bị can Phạm Sĩ Chiến khi nào?
- Cách đây 3 hôm, ông Chiến đến nhà tôi đặt vấn đề mời làm luật sư bào chữa. Ông Chiến nói rằng hiện chỉ mời một mình tôi bảo vệ quyền lợi trong vụ án Năm Cam. Tôi cũng đã thông báo việc này với Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng.
- Ngoài tư cách là Luật sư, ông còn là Trưởng Phòng nghiên cứu tư pháp hình sự của Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật, chắc trước đây ông đã quen biết bị can Chiến?
- Tôi phụ trách mảng tư pháp hình sự nên cộng tác với viện kiểm sát từ nhiều năm nay. Tôi từng làm phiên dịch cho VKSND Tối cao trong một số vụ việc, tham gia nhiều đề tài khoa học. Ông Chiến biết tôi khoảng 3 năm nay, bởi ông ấy là phó viện trưởng, thường làm chủ tịch hội đồng nghiệm thu đề tài, còn tôi là thành viên tham gia với tư cách phản biện.
- Đó có phải là lý do ông nhận lời bào chữa cho ông Chiến?
- Đó chỉ là một phần. Còn cơ bản tôi nhận lời vì đó là trách nhiệm của luật sư. Ông Chiến đã trình bày và gửi tôi một số đơn kiến nghị, khẳng định ông ấy bị oan. Cũng cần nói, ông Chiến là người am tường pháp luật, nhưng chưa rơi vào vòng lao lý bao giờ. Do đó vẫn cần luật sư, không chỉ để bào chữa mà còn động viên ông ấy tích cực tham gia tố tụng, bảo vệ quyền lợi cho mình.
- Ông nhận định thế nào về các tài liệu buộc tội bị can Chiến?
- Căn cứ buộc tội với ông Chiến thể hiện qua những chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được, đặc biệt là lời khai của các bị can khác nhau. Cho đến nay, ông Chiến mới được tống đạt phần kết luận điều tra liên quan đến tội danh bị đề nghị truy tố (tội tham ô, tức là hành vi nhận tiền, quà). Theo tôi, như vậy chưa đủ, bởi cần xem xét toàn diện lời khai của các đối tượng khác. Rồi việc phân công nhiệm vụ trong ban lãnh đạo VKSND Tối cao ra sao? Có thật ông Chiến là người có chức có quyền để giải quyết vụ Năm Cam không? Liệu thật sự kiến nghị của ông ta có tính chất quyết định để Bộ Công an phải trả tự do cho Năm Cam không? Những vấn đề này nằm trong các tài liệu khác chứ không chỉ trong bản kết luận điều tra.
Vụ án này đến nay mới hoàn thành phần điều tra. Tất cả những tài liệu hiện có chỉ thể hiện quan điểm của Cơ quan Điều tra. VKSND Tối cao đang lập cáo trạng, và họ có thể chỉ chấp nhận một phần hoặc thậm chí có quan điểm khác bên công an. Do đó tôi sẽ còn phải chờ để nghiên cứu cáo trạng.
Tôi được biết, thứ tư tuần sau viện kiểm sát mới cho các luật sư tiếp xúc hồ sơ. Một số luật sư đã được VKSND Tối cao cấp giấy chứng nhận luật sư bào chữa, và một vài người đã vào trại tạm giam để tiếp xúc thân chủ. Trường hợp ông Chiến được tại ngoại, nên với tôi không cần thiết.
- Bị can Chiến liên quan đến Nguyễn Thập Nhất, Thuyết “buôn vua”, Trần Mai Hạnh, và một số người bên Bộ Công an. Để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, ông sẽ phải gặp gỡ những người này?
- Trong số trên, có người đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Về nguyên tắc, tôi không được tiếp xúc với họ. Còn những người khác đang tại ngoại, hoặc chỉ liên quan đến vụ án, tôi có thể phải gặp gỡ. Ngoài ra, tại phiên tòa, với tư cách luật sư, tôi có thể đặt câu hỏi với các bị can và những người được triệu tập để xác minh những vấn đề liên quan đến ông Chiến.
Theo lời ông Chiến, từ khi bị khởi tố điều tra đến nay, ông ta chỉ được hỏi cung một lần, và chưa được đối chất với những người liên quan trong vụ án. Trước đó, với tư cách là người liên quan trong vụ án, ông ta đã giải trình và trả lời các cơ quan chức năng. Tôi phải thận trọng xem xét vấn đề này, và có thể sẽ yêu cầu được điều tra công khai ngay tại tòa. Điều tra như vậy là khách quan nhất, toàn diện nhất, bởi có mặt tất cả những người liên quan đến bị can.
- Ông đánh giá thế nào về mức độ khó khăn trong vụ bào chữa này?
- Vụ án Năm Cam rất phức tạp, nhạy cảm. Riêng bản kết luận điều tra đã dày hơn 600 trang, tài liệu khác liên quan phải hàng nghìn trang. Trong vụ án, bị can Phạm Sĩ Chiến là một trong 3 người từng nắm chức vụ cao của bộ máy nhà nước, liên quan đến nhiều cán bộ khác. Do đó trách nhiệm bào chữa của tôi sẽ rất nặng nề. Đặc biệt là áp lực của dư luận với vụ án này. Không chỉ riêng tôi mà các luật sư tham gia bào chữa cho các bị can khác của vụ án cũng phải hết sức thận trọng.
- Nếu các bị can khác trong vụ án Năm Cam đề nghị ông đứng ra bào chữa, ông có tiếp tục nhận lời?
- Trước ông Chiến cũng có một số người đến đặt vấn đề nhờ tôi bào chữa. Nhưng lúc đó tôi quá bận việc nên từ chối. Còn tới đây, tuỳ thuộc đối tượng, nếu vấn đề của họ không đối lập với quyền lợi của ông Phạm Sĩ Chiến thì tôi sẽ nhận lời.
Nghĩa Nhân
|