Chiều 23/4, sau khi VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, các luật sư đưa ra nhiều lập luận, chứng cứ để chứng minh lời khai của ông Sơn có những mâu thuẫn.
Luật sư Ngô Ngọc Thủy trình bày, Dương Chí Dũng là Chủ tịch HĐQT Vinalines nhưng trên thực tế không quản lý trực tiếp “một cắc”. Theo điều 318 Bộ Luật hình sự, làm gì có căn cứ pháp lý buộc thân chủ ông tham ô. "Việc 1,66 triệu USD có phải là tài sản của Vinalines hay không? Không có bình diện pháp lý nào để chứng mình số tiền này của Vinalines”, luật sư trình bày.
Theo quan điểm luật sư Thủy, không có chứng cứ quy kết ông Dũng, Phúc, và Chiều là đồng phạm. Ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm không một ai làm rõ việc bàn bạc giữa những người trong nhóm tham ô này. Lời khai của bị cáo Sơn chỉ là một phía. Cơ quan điều tra đã “rất khéo” khi sử dụng lời khai của người này và các nhân chứng (đều là người nhà của Sơn) để quy kết tội danh của ông Dũng.
Luật sư Thủy cho rằng, cần phải thận trọng lời khai của những nhân chứng này vì họ là anh em ruột. Khi đứng trước tình huống sẽ phải nhận bản án nghiêm khắc thì tâm lý con người có những việc làm không chính xác, khai nhận có lợi cho người thân. “Phải chăng đó là một sự hợp thức hóa chứng cứ”, luật sư nói và cho rằng để kết tội tham ô, cần làm rõ mối quan hệ Dũng, Phúc, Sơn. Luật sư Thủy đề nghị huỷ án sơ thẩm.
Người bào chữa thứ hai cho bị cáo Dũng là luật sư Trần Đình Triển, trước khi vào phần trình bày ông này cho rằng, VKS giữ quyền công tố ở phiên phúc thẩm này đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Ông Triển trích lời VKS đề nghị nâng mức bồi thường, và khẳng định, ở phiên tòa này không có kháng cáo kháng nghị, nên VKS căn cứ vào đâu để đề nghị. Vụ án được mở theo kháng cáo của các bị cáo, do đó, theo luật định, không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo.
Luật sư Triển cũng chỉ ra nhiều mâu thuẫn trong lời khai của ông Sơn, khi bị cáo này có tới 3 lời khai về việc chia lại quả 1,66 triệu USD tại cơ quan điều tra và ở phiên sơ thẩm. Ngoài ra, lời khai và các chứng cứ cho thấy, ông Sơn có mâu thuẫn thời gian khi trình bày gặp ông Dũng tại khách sạn Victory chiều tối một ngày vào tháng 7/2008. Trong khi ông Dũng khai, 15h30 ngày hôm đó vẫn đang ở trên máy bay thì không có chuyện Sơn gọi điện hẹn gặp. Mặt khác, ông Dũng cho biết để về đến khách sạn cũng mất vài tiếng vì đường phố TP HCM thời điểm này giao thông tắc nghẽn.
Luật sư Triển cũng trình ra bản tuyên thệ của ông Goh Hoon Seow mà ông cùng đồng nghiệp sang Singapore thu thập được. Lời tuyên thệ của ông Goh cho thấy, không có thỏa thuận, gặp gỡ với bị cáo Dũng. Luật sư đề nghị hủy một phần vụ án ở hành vi tham ô tài sản để điều tra lại.
Còn luật sư Hoàng Huy Được bào chữa cho Mai Văn Phúc, cho rằng thân chủ ông là người thực hiện ý chí của HĐQT Vinalines trong việc xúc tiến xây dựng nhà máy sửa chữa tàu thuỷ phía Nam và mua ụ nổi 83M. Ông Được phủ nhận lời khai của bị cáo Sơn khi cho rằng ông Phúc chỉ đạo các thành viên trong đoàn khảo sát ụ nổi 83M tại Liên bang Nga “phải mua được ụ nổi qua công ty AP” và chỉ đạo việc nhận và chia 1,66 triệu USD. Trong khi đó, lời khai của ông Goh cho thấy chỉ gặp ông Phúc lần duy nhất khi hai bên chào hỏi xã giao.
Trong các lời khai của bị cáo Sơn về việc đưa 10 tỷ đồng cho ông Phúc, luật sư Được thấy có nhiều mâu thuẫn. Trong lần đưa 5 tỷ đồng (3 tỷ do em gái đưa, 2 tỷ Sơn rút từ ngân hàng) khi thì khai 3 lần tại nhà ông Phúc ở Làng Quốc tế Thăng Long, khi nói ở quê. Trong khi đó, ông Phúc thừa nhận chỉ nhận một lần phong bì 2 triệu đồng từ bị cáo Sơn đem biếu cùng chai rượu ngoại.
“Lời khai của ông Sơn mâu thuẫn với chính mình và của ông Phúc”, luật sư Được nói. Tuy nhiên, theo luật sư, cơ quan chức năng sử dụng lời khai của em gái ông Sơn là Trần Thị Hải Huyền và Trần Hải Hà để buộc tội hai bị cáo Dũng và Phúc là không khách quan. Ông Được đề nghị huỷ án, trả hồ sơ điều tra lại.
Cùng bào chữa cho ông Phúc, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, quan điểm luận tội của VKS không xuất phát từ diễn biến nào trong phiên toà, thể hiện VKS đã chuẩn bị trước hồ sơ. Những chứng cứ mới không được đưa ra trong quan điểm của VKS. Điều đó dẫn đến việc nhiều tài liệu đã gửi lên phiên tòa không được xem xét.
“Tôi cho rằng xem xét mối quan hệ của ông Goh và một ai đó trong Vinalines là sai đối tượng. Ông Goh không có quyền quyết định về việc chuyển 1,66 triệu USD”, luật sư Thiệp phát biểu và đề nghị phải xác minh quan hệ của Global Success với Vinalines mới xác định được ai là người thương thảo về khoản lại quả này.
Về tội danh cố ý làm trái, ông Thiệp cho rằng, do có sự chuẩn bị trước và không cập nhật nội dung diễn biến phiên toà nên đại diện VKS đã không điều chỉnh nội dung kháng cáo của ông Phúc. Ở phiên toà phúc thẩm, bị cáo Phúc thấy có trách nhiệm khi để xảy ra thất thoát, đang cố gắng khắc phục một phần hậu quả.
Động cơ của bị cáo khi thực hiện hành vi cố ý làm trái, hoàn toàn với ý thức tích cực hoàn thành nhiệm vụ được giao theo nghị quyết của HĐQT. Bị cáo vốn không đủ thời gian, vì mới nhận chức 2 tháng, ký hợp đồng giao nhận nhiệm vụ chỉ trong một phút. Theo luật sư, ông Phúc sai khi nóng vội hoàn thành công việc được giao.
Bản án sơ thẩm nhận định “phải có thoả thuận trước của ông Dũng, Phúc mới có khoản lại quả 1,66 triệu USD”, trong khi đó, luật sư Triển đã công bố tuyên thệ của ông Goh không thể hiện điều này. Ông Thiệp cũng nghi ngờ việc một tháng sau khi ký kết hợp đồng mua ụ nổi thì công ty Phú Hà đã thành lập là có nguyên do.
8h ngày mai (24/4), phiên toà tiếp tục phần tranh luận.
Bản khai tuyên thệ trước pháp luật của ông Goh Hoon Seow, tại Singapore ngày 16/4/2014: 1. Tôi là giám đốc điều hành của công ty Addpower Pte Ltd và đại diện cho công ty trong việc mua bán ụ nổi 83M 2. Tôi biết ông Dũng, nguyên chủ tịch Vinalines và các con của ông trong thời gian họ học tập tại Singapore. Tuy nhiên, tôi chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Tôi cũng chưa từng liên hệ hay trao đổi với ông Phúc, cựu tổng giám đốc Vinalines về việc mua bán ụ nổi 83M này. Chỉ duy nhất một lần tôi đến chào xã giao ông Phúc tại trụ sở Vinalines tại Hà Nội, cùng đi có các ông Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn và một phiên dịch. 3. Do có quan hệ từ trước, tôi được công ty Global Success (GS) tiếp cận để tư vấn về phương thức giao và bảo hiểm cho việc giao ụ nổi. Tôi đã khai báo điều này với cơ quan điều tra Việt Nam theo biên bản tờ khai ngày 2/11/2012. 4. Trước khi tôi tham gia việc bán ụ nổi 83M, GS từng đàm phán với Vinalines. Chủ sở hữu ụ nổi 83M chỉ muốn bán ụ nổi thông qua công ty của mình ở nước ngoài theo phương thức FOB qua Nakhodka, Nga trong khi Vinalines muốn mua theo phương thức CIF- giao tại cảng Việt Nam. Khi việc đàm phán đi đến chỗ bế tắc, GS đã tiếp cận AP đề nghị AP làm bên trung gian giúp thực hiện giao dịch mua bán. Lần đầu tiên tôi gặp đoàn cán bộ Vinalines đi mua ụ nổi tại Vlađivostok, Nga. 5. Sau khi cả GS và Vinalines đồng ý về việc mua bán ụ nổi 83M qua AP, một văn bản chào bán chính thức đã được AP gửi cho Vinalines theo hướng dẫn của GS và sau đó việc thương thảo mua bán ụ ổi bắt đầu. Việc thương thảo được tiến hành giữa tôi và các cán bộ đại diện Vinalines mà ông Sơn là người đứng đầu. 6. AP và GS đã ký thỏa thuận nhằm tạo cơ sở cho AP hoạt động với tư cách môi giới cho GS. Các điều kiện của thỏa thuận bán do GS đưa ra và quyết định 7. Trong quá trình trao đổi và đàm phán vói ông Sơn và những người của ông Sơn đại diện cho Vinalines, tôi không nói bất cứ điều gì về việc lại quả. Theo tôi biết, ông Sơn không nói được tiếng Anh. Mọi trao đổi và thương thuyết giữa tôi với ông Sơn được thực hiện thông qua phiên dịch. 8. Việc thanh toán mua ụ nổi 83M được thực hiện dưới hình thức tín dụng thư của Vinalines theo thỏa thuận mua bán. Số tiền 1,666 triệu USD là một phần của khoản thanh toán theo tín dụng thư để trả cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M. Trước khi thỏa thuận được ký, AP không hề biết công ty Phú Hà. 9. Tôi không hề yêu cầu ông Sơn phải mở tài khoản của Công ty Phú Hà tại NH UOB. Tên Công ty Phú Hà xuất hiện lần đầu tiên khi GS thông báo cho AP về tên công ty sẽ nhận khoản thanh toán cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M, sau khi tín dụng thư được phát hành. Chi tiết về tài khoản của công ty Phú Hà là do ông Sơn thông báo cho AP để tôi thực hiện việc thanh toán theo tín dụng thư cho công ty Phú Hà theo thỏa thuận. Tôi chưa bao giờ trao đổi với ông Dũng và ông Phúc về khoản tiền 1,666 triệu USD. 10. Theo yêu cầu của ông Sơn, tôi ký một thỏa thuận đầu tư dự án khai thác điểm thông quan nội địa ngay sau khi hoàn tất thỏa thuận mua bán ụ nổi 83M. Tôi cũng không hề giữ bản sao nào của thỏa thuận này hay tham gia vào hoạt động nào của công ty liên doanh. Tôi nhớ là sau đó cũng theo yêu cầu của ông Sơn, một bộ chứng từ đã được ký để dừng hoạt động của liên doanh. Những điều tôi khai trên đây là theo đúng quy định của Đạo luật khai báo và tuyên hệ (khoản 22); nếu khai man tôi xin chịu mọi hình phạt theo quy định của Luật và tôi cũng cam đoan rằng những điều khai ở trên là hoàn toàn đúng sự thật. |
Việt Dũng