Bùi Tiến Dũng khi bị bắt. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Từ 11/5, ông Ngô Ngọc Thủy đã hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho bị can Bùi Tiến Dũng với cơ quan điều tra. Nhưng tới hôm nay, luật sư Thủy vẫn chưa thể tiếp cận thân chủ cũng như tài liệu vụ án vì chưa nhận được sự "chấp thuận".
Trong ngày 9/11, Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải cho biết, luật sư của bị can Vũ Mạnh Tiên (nguyên phó chánh văn phòng PMU 18) đã được thiếu tướng Phạm Xuân Quắc (Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an) ký cấp giấy chứng nhận bào chữa. Nhiều tháng trước, gia đình Vũ Mạnh Tiên mời ông Phạm Hồng Hải và Nguyễn Hồng Bách (Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải) tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can này. Sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng hai luật sư cũng được tham gia vụ án khi giai đoạn điều tra đang dần khép lại.
Bùi Tiến Dũng bị khởi tố bị can về 4 tội: đánh bạc, đưa hối lộ, nhận hối lộ, cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng |
Hai tháng sau khi bị bắt, vào tháng 3 khi hàng loạt tiêu cực ở PMU 18 đang khẩn trương được bóc gỡ, gia đình Bùi Tiến Dũng đã liên hệ với ông Ngô Ngọc Thủy để tham gia bào chữa cho nguyên tổng giám đốc PMU 18. Tuy nhiên, cơ quan điều tra trả lời, trong trại tạm giam Bùi Tiến Dũng từ chối mời luật sư. Đầu tháng 5, em trai ông Dũng lại đặt vấn đề với luật sư Thủy đề nghị tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh trai ngay từ giai đoạn điều tra vụ án đánh bạc của Bùi Tiến Dũng và tiêu cực tại PMU 18.
Cùng cảnh với ông Thủy là một số luật sư nhận bào chữa cho các bị can trong vụ án PMU 18. 7 tháng trước, ông Phạm Hồng Hải và Hoàng Văn Dũng liên hệ với cơ quan điều tra để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cho nguyên thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Việt Tiến. Tuy nhiên, tới nay, họ vẫn trong cảnh đợi hồi âm. Thậm chí, ông Dũng còn làm công văn gửi cơ quan điều tra đề nghị sớm xem xét và có trả lời về việc này.
Còn luật sư Bùi Huy Cường tham gia bảo vệ cho em gái Bùi Tiến Dũng là Bùi Thu Hạnh (bị bắt về tội tham ô tài sản) được cơ quan điều tra cho biết, bà Hạnh hiện thời chưa có nhu cầu luật sư. Ông Cường đề nghị được gặp bà Hạnh để làm việc về vấn đề này, song không được chấp nhận. Cơ quan điều tra hứa sẽ chuyển lời nhắn của luật sư tới bị can Hạnh.
Đầu tháng 8, việc gặp khó trong hoạt động tố tụng được các luật sư "tố khổ" với Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Trong đơn gửi ông Trọng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Phạm Hồng Hải cho biết, quá trình tham gia các vụ án hình sự, luật sư thường bị các cơ quan tố tụng gây khó khăn, cản trở như không kịp thời cấp giấy chứng nhận bào chữa để luật sư có thể vào trại gặp bị can.
Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: "Trong thời hạn 3 ngày, nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận để họ thực hiện quyền bào chữa. Nếu từ chối chấp nhận phải nêu rõ lý do". Điều 58: "Người bào chữa có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can... Nếu điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong các hoạt động điều tra khác... Đề nghị cơ quan điều tra báo trước về địa điểm và thời gian hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can". |
Anh Thư