![]() |
Bị cáo Trần Văn Thuyết chăm chú nghe luật sư bào chữa cho mình. |
Theo luật sư Hiếu, Trần Văn Thuyết không có quan hệ thân thiết với ông Cao Huy Phước, còn chỉ quen biết với các bị cáo Phạm Sĩ Chiến (nguyên viện phó VKSND Tối cao) và Trần Mai Hạnh (nguyên tổng biên tập tờ Nhà Báo & Công Luận) từ rất lâu trước khi Trương Văn Cam bị bắt. Ông nhấn mạnh: “Đó chỉ là quan hệ xã hội bình thường. Lời khai tại cơ quan điều tra của bị cáo Trần Mai Hạnh đã xác nhận điều đó”. Về những bức ảnh chụp chung giữa Thuyết với hai quan chức trên, luật sư cho rằng: “Tự thân các bức ảnh không thể là chứng cứ để quy kết buộc tội Trần Văn Thuyết. Đó là hướng suy đoán bất lợi cho bị cáo. Ở đây chúng ta chỉ dựa vào những tài liệu đã có trong hồ sơ điều tra chứ không đánh giá theo một định kiến có sẵn nào đó. Xin HĐXX xem xét trong phạm vi mà Thuyết đã khai nhận”.
Về mặt nhận thức của Trần Văn Thuyết, luật sư Phan Trung Hiếu nhận xét thân chủ của mình không thể biết được hành vi phạm tội của Năm Cam khi tiếp nhận đơn kêu oan của Dương Ngọc Hiệp và Phan Thị Trúc. Thuyết chỉ nghĩ đến việc khiếu nại về hành vi tố tụng chưa đúng pháp luật mà VKSND Tối cao lúc đó đã thừa nhận. Kết luận điều tra cũng không thể hiện rõ tính chất tổ chức trong những lần đưa hối lộ của Trần Văn Thuyết, không có những thỏa thuận hứa hẹn cụ thể nào. Việc Năm Cam được tha trước thời hạn không phải là hệ quả việc làm của Thuyết… Luật sư còn cho rằng cơ quan điều tra đã không thu thập được chứng cứ trực tiếp của việc đưa và nhận hối lộ, mà chỉ điều tra trên cơ sở lời khai của Trần Văn Thuyết và Dương Ngọc Hiệp. “Bị cáo Thuyết chỉ có hành vi xuyên suốt là làm trung gian. Chính Dương Ngọc Hiệp cũng thừa nhận như thế. Việc tách bạch hai tội danh ở đây cũng chưa xem xét đến yếu tố cấu thành tội phạm vì Bộ luật Hình sự quy định một hành vi không thể quy kết thành 2 tội danh”.
Cuối cùng, luật sư Phan Trung Hiếu đề nghị HĐXX chuyển sang xem xét bị cáo Trần Văn Thuyết với tội danh môi giới hối lộ. Theo ông, khi định hình phạt, tòa cần cân nhắc một số tình tiết giảm nhẹ khác như: Thuyết đã tự khai giúp cơ quan điều tra có cơ sở để truy xét những bị cáo khác; Thuyết đã tự thú về mối quan hệ với Phạm Sĩ Chiến, Trần Mai Hạnh; gia đình bị cáo đã nộp lại số tiền 450 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Ngoài luật sư Phan Trung Hiếu, Trần Văn Thuyết còn mời luật sư Nguyễn Văn Trung bảo vệ quyền lợi cho mình. Ông Trung sẽ trình bày phần bào chữa vào sáng mai.
Bào chữa cho bị cáo Lâm Xuân Phát, nguyên kiểm sát viên VKSND TP HCM, là luật sư Trần Mỹ Thoa. Bà cho rằng mức hình phạt 2-3 năm tù cho hưởng án treo mà công tố viên đề nghị “nghe cũng mừng, nhưng vẫn ảnh hưởng nhiều đến sinh mạng chính trị, quyền lợi và con cái của bị cáo”. Theo luật sư, bị cáo Phát chỉ là kiểm sát viên sơ cấp, không thể đề nghị, đề xuất biện pháp xét xử mà chỉ là người giúp việc cho kiểm sát viên trung cấp. Việc đình chỉ điều tra đối với Châu Phát Lai Em cho đến nay không xác định được lỗi của ai. Nếu cho rằng Lâm Xuân Phát cố ý làm mất hồ sơ vụ án, không bàn giao hồ sơ thì tại sao suốt các năm 1988-1992 (từ khi vụ án Châu Phát Lai Em xảy ra đến lúc Lâm Xuân Phát nghỉ việc tại VKSND TP HCM) phòng văn thư không yêu cầu Phát bàn giao lại hồ sơ? Tại sao cơ quan điều tra không yêu cầu làm rõ động cơ không bàn giao hồ sơ của Phát?
Luật sư Thoa kết luận: Căn cứ buộc tội Lâm Xuân Phát không rõ ràng, vậy cần áp dụng quy tắc suy luận theo hướng có lợi cho bị cáo. Kể cả việc coi là có tội thì đến lúc VKSND Tối cao ra quyết định truy tố cũng đã hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây từng là căn cứ để đình chỉ điều tra với điều tra viên Nguyễn Mạnh Tuân. Do đó, cũng cần xem xét công bằng cho Lâm Xuân Phát.
Hôm qua, các luật sư khác cũng đã trình bày xong phần bào chữa cho nhóm bị cáo bị truy tố về tội đánh bạc như Triệu Tô Hà, Trần Văn Lợi, Nguyễn Ngọc Chung, Trương Mạnh Long, Lê Thị Thu Hà, Lương Cẩm Huy, Trần Thị Cẩm, Nguyễn Kim Thịnh, Đặng Văn Chung.
Nghĩa Phương