![]() |
Luật sư trao đổi với thân chủ trong giờ giải lao. |
Luật sư Hồ Văn Nghĩa (bảo vệ quyền lợi cho Phạm Văn Minh - Minh "Bu", bị đề nghị án tử hình) cho rằng bị cáo không phải là đàn em thân tín của Năm Cam như cáo trạng quy kết. Không có cơ sở để xác định nhát dao nào gây ra cái chết của anh Phan Lê Sơn. Đồng sự của ông, luật sư Trần Minh Sang phân tích: “Theo kết luận điều tra, Minh sử dụng dao có bề ngang 2cm và đâm nhiều nhát vào ngực Phan Lê Sơn. Nhưng kết quả giám định cho biết nạn nhân chết do một vết thương ở tim rộng 3,5 cm…”. Theo luật sư Sang, VKS xác định mức độ phạm tội của Minh dựa trên lời khai của Nguyễn Hữu Thịnh và Văn Công Tiến là chưa đủ căn cứ. "Cần xem lại tính xác thực của những lời khai đó vì chúng không thống nhất, có sự dàn dựng. Không thể dựa vào đó để quy tội cho Minh”, luật sư nói. Ông Sang còn cho rằng không có lý do gì thúc đẩy Minh đâm nhiều nhát vào người nạn nhân. Hai luật sư bảo vệ cho Minh "Bu" đề nghị HĐXX xem xét để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Luật sư Nguyễn Văn Hòa (bảo vệ cho Nguyễn Hữu Thịnh, bị đề nghị án tử hình về tội giết người) nêu 7 điểm chưa rõ mà cáo trạng đã khép tội Thịnh. Theo đó cáo trạng chưa xem xét, nhận định về kết quả giám định pháp y của hai nạn nhân Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng. Về mặt lý thuyết, con dao Thịnh sử dụng có tính chất như dao số 4, nhưng thương tích trên người Hồ Phước Hưng là do những con dao số 1, 2, 5, 6 gây ra. Kết luận điều tra cho thấy chưa đủ cơ sở pháp lý để khẳng định Thịnh là người đâm chết anh Hưng. Luật sư Hòa còn cho rằng cơ quan điều tra cũng chưa làm sáng tỏ việc Thịnh có đưa dao cho Văn Công Tiến hay không, và "khi còn những nghi vấn thì phải áp dụng nguyên tắc suy luận theo hướng có lợi cho bị cáo". Luật sư Hòa xin cho bị cáo được hưởng mức án tù chung thân.
Tương tự, bào chữa cho bị cáo Hồ Thanh Tùng, luật sư Đoàn Thị Lan cho rằng điều tra viên đã không khách quan, các chứng cứ buộc tội chưa thuyết phục. Bị cáo Tùng tham gia vào vụ án không có mục đích cụ thể, phạm tội khi bị lệ thuộc và không làm chủ được mình.
Luật sư Trần Mai Hữu Đức tập trung phân tích vai trò của Văn Công Tiến trong vụ án. VKS cáo buộc Tiến là đồng phạm có tổ chức nhưng theo luật sư thì Tiến chỉ tham gia một cách tình cờ chứ không có bàn bạc phân công cụ thể. Bị cáo không cầm dao mà chỉ sử dụng ghế. Theo ông Đức, lời khai của Hồ Thanh Tùng thấy Tiến cầm dao là không đúng vì đèn trong quán rất mờ... Ông cho rằng "bị cáo Văn Công Tiến vẫn còn khả năng cải tạo" và xin cho bị cáo Tiến hưởng một mức hình phạt có thời hạn thay vì án chung thân như VKS đã đề nghị.
Bào chữa cho Từ Anh Kiệt (bị buộc tội giết người theo điểm a, khoản 1 Điều 101 Bộ luật Hình sự 1985) là luật sư Đoàn Mộng Thu. Bà nói: “Bị cáo Từ Anh Kiệt bị buộc tội giết người với vai trò đồng phạm tích cực là chưa thỏa đáng. Kiệt không hề quen biết hay mâu thuẫn với nạn nhân, do đó không có động cơ đê hèn trong hành vi phạm tội”. Bà cũng cho rằng Kiệt không phải là chủ mưu, không hành động hung hãn mà chỉ bị lôi kéo. Vai trò của bị cáo trong vụ án là thứ yếu, phạm tội trong trạng thái bị kích động và đã ra đầu thú với cơ quan pháp luật nên cần được hưởng chính sách khoan hồng.
Các luật sư Võ Đức Trung, Lê Hà Diễm Châu, Nguyễn Đặng Nghiên, Nguyễn Đăng Vỹ, Nguyễn Thị Anh Phố cũng trình bày phần bào chữa dành cho các bị cáo Nguyễn Hùng Cường, Trương Tấn Phi, Võ Song Toàn, Trần Dương, Nguyễn Hữu Chung. Hầu hết các luật sư cho rằng mức án VKS đề nghị cho thân chủ của mình là quá nặng, bởi những bị cáo đó không đồng phạm chủ mưu, không trực tiếp gây nên cái chết của nạn nhân, hành động mang tính bột phát nhất thời.
Hôm nay phiên tòa tiếp tục phần bào chữa của các luật sư.
Nghĩa Phương