![]() |
Bị cáo Phạm Sĩ Chiến. |
Luật sư Ngô Ngọc Thuỷ nói: “Kết luận của Viện kiểm sát quá chung chung, dàn trải, không bám sát các quy định, không có chứng cứ, không chứng minh được hành vi thiếu trách nhiệm của bị cáo. Hay nói một cách khác là đã hiểu nhầm, hiểu sai về việc thiếu trách nhiệm”. Ông cho rằng việc buộc tội bị cáo Huy thiếu trách nhiệm để cho băng nhóm Năm Cam hoạt động trong thời gian dài trên địa bàn thành phố là không đúng. Vì thực tế bị cáo Huy không hề nhận được thông tin nào về trường hợp Năm Cam sau khi cải tạo về, không nhận được văn bản nào từ cấp trên về đối tượng này. Còn việc quản lý người sau cải tạo là trách nhiệm của công an phường, quận VKS không tính đến. Thậm chí sau báo cáo của ông Thân Thành Huyện, phó giám đốc công an TP HCM, về việc không phát hiện hành vi phạm tội của Năm Cam, Bí thư Thành uỷ cũng đã bút phê xác nhận, thì bản thân ông Huy còn làm được gì? Ông Huy cũng không thể đi xác minh lại báo cáo của cấp dưới vì sẽ trái với nguyên tắc làm việc trong ngành công an. Vì vậy : "việc quy kết của cáo trạng là hết sức mâu thuẫn, gò ép và không phù hợp với lề lối làm việc của cơ quan công an. Cần xem lại tư duy, nhận thức của các cơ quan trong đó có Viện kiểm sát”.
![]() |
Luật sư Ngô Ngọc Thuỷ. |
Luật sư Thuỷ đưa ra nhiều văn bản có bút phê của bị cáo Huy để chứng minh việc thân chủ của mình đã làm tròn trách nhiệm trong việc chỉ đạo Ban chuyên án hoạt động. Do đó, “buộc tội bị cáo Huy thiếu trách nhiệm là không có cơ sở. Lỗi của Bùi Quốc Huy ở chỗ nào? Trong khâu nào? Nếu có thì chỉ ở mức độ nào đó chứ không phải là về mặt hình sự…”.
Luật sư Ngô Ngọc Thuỷ cũng phân tích chi tiết chuyên án Phan Lê Sơn và Vũ Hoàng Dung. Theo ông, không có quy định nào để kết luận giám đốc công an phải chịu trách nhiệm về một vụ án cụ thể: “Tôi thật sự ngạc nhiên về việc lẫn lộn giữa trách nhiệm quản lý hành chính của giám đốc công an với trách nhiệm chuyên môn của các phòng ban. Sự quy kết của Viện kiểm sát là suy diễn mang tính chủ quan”. Ông Thuỷ cho rằng dù là giám đốc thì Bùi Quốc Huy cũng không thể tự ý ra lệnh khởi tố, bắt giam một ai vì đó là nhiệm vụ của điều tra viên. Căn cứ vào các điều luật đã quy định thì điều tra viên, trưởng phó phòng điều tra phải chịu trách nhiệm chính. “Những người đó không chịu trách nhiệm hình sự thì tại sao Bùi Quốc Huy phải chịu?” - ông nói.
Cũng theo luật sư Thuỷ, không thể quy buộc tội thiếu trách nhiệm cho Bùi Quốc Huy về việc buông lỏng quản lý cán bộ, dẫn tới nhiều cán bộ chiến sĩ bị tha hoá bởi băng nhóm Năm Cam. Vì ngay từ khi mới về nhận nhiệm vụ, ông Huy đã ra nhiều quyết định để củng cố nội bộ như xử lý cán bộ vi phạm, cấm không nhận quà cáp trong dịp Tết…Hơn nữa, Bùi Quốc Huy cũng không hề nhận được bất kỳ đơn thư tố cáo cán bộ chiến sĩ nào phạm tội hay có quan hệ với băng nhóm Năm Cam. Việc thuyên chuyển với những cán bộ như Dương Minh Ngọc và Nguyễn Mạnh Trung cũng không thuộc thẩm quyền của Bùi Quốc Huy mà phải do cả Ban giám đốc quyết định. Chính ông Huy đã đưa việc này ra bàn nhiều lần nhưng không được chấp thuận. Tuy nhiên, luật sư thừa nhận “Bùi Quốc Huy có kinh nghiệm trong công tác phản gián nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý trên một địa bàn phức tạp như TP HCM. Đề nghị HĐXX đánh giá công minh những việc làm của bị cáo Huy và tuyên bố Bùi Quốc Huy vô tội.

Luật sư Phạm Hồng Hải.
Một giờ cuối cùng của ngày làm việc, luật sư Phạm Hồng Hải trình bày xong phần bào chữa của mình cho Phạm Sĩ Chiến, trong đó đưa ra nhiều kết luận hơn là luận cứ. “Luận tội của Viện kiểm sát không có tính thuyết phục”, đó là khẳng định của ông ngay từ đầu và được lặp đi lặp lại nhiều lần sau đó. Chứng minh cho khẳng định của mình, luật sư Hải nêu lên một vài sai sót của Viện kiểm sát như : Quá trình điều tra vụ án quá vội vàng (chỉ sau 37 ngày đêm kể từ khi có kết luận điều tra đến khi ra được bản cáo trạng dài 559 trang. Riêng đối với bị cáo Phạm Sĩ Chiến chỉ có 8 ngày từ khi có kết luận điều tra đến khi có quyết định khởi tố); Điều tra viên và kiểm sát viên đã không làm hết chức năng và trách nhiệm của mình (không tiến hành đối chất khi có mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo, việc làm này đã vi phạm qui chế công tác kiểm sát điều tra). Ngoài ra, kết luận điều tra không mang tính thuyết phục (tài liệu điều tra mang tính nguỵ biện, chỉ lấy mâu thuẫn giữa các lời khai làm cơ sở nhưng không chứng minh được lời khai nào là đúng).Theo luật sư Phạm Hồng Hải, để cấu thành tội nhận hối lộ phải có 3 dấu hiệu cụ thể, nhưng ở đây hành vi của Phạm Sĩ Chiến chưa thể hiện rõ. Cụ thể là chức năng của Viện kiểm sát chỉ có thể kiểm sát các quyết định chứ không ra quyết định giam giữ hay tha bổng. Luật sư trích dẫn hàng loạt các văn bản pháp luật về trách nhiệm, quyền hạn của VKSND Tối cao và khẳng định: “Những cáo buộc của Viện kiểm sát là không đúng vì ông Chiến không có thẩm quyền gì để tha Năm Cam trước thời hạn”. Vì vậy kiến nghị 1333 do bị cáo Chiến ký là hoàn toàn đúng thẩm quyền chức vụ. Thực tế thì sau khi có kiến nghị 1333, hơn một năm sau Bộ Công an mới có quyết định thả Năm Cam trước thời hạn là 7 tháng. Luật sư Hải cho rằng, không cần đến kiến nghị của Phạm Sĩ Chiến, nếu một người có cải tạo tốt cũng sẽ được giảm án. Nếu như người được giảm án sau đó phạm tội lại thì có lẽ những người ký lệnh giảm án hàng năm của nước ta đều bị quy trách nhiệm như trường hợp này hay sao?
Hơn nữa, đó chỉ là kiến nghị chứ không phải là quyết định, nên "chỉ mang tính tham khảo chứ hoàn toàn không có giá trị gì". Luật sư nêu ví dụ những kiến nghị của Viện kiểm sát về các mức án không phải hoàn toàn đều được HĐXX chấp nhận, cũng như bản án sau này thuộc trách nhiệm của HĐXX chứ không phải thuộc Viện kiểm sát vì đã có kiến nghị như thế…
Luật sư Hải lý luận rằng, Phạm Sĩ Chiến không hề hay biết, không hứa hẹn gì với Thuyết trong việc Thuyết đem dàn máy đến nhà mình. “Nếu Thuyết bảo là tặng thì tôi nghĩ vẫn được vì trong quan hệ bình thường, mình thích người nào thì tặng quà cho người đó. Vì vậy làm sao quy tội nhận hối lộ cho bị cáo Chiến? Tại sao nói quan hệ giữa bị cáo Chiến và Trần Văn Thuyết, Nguyễn Thập Nhất, Trần Mai Hạnh là không bình thường? Trong khi nhà nước còn khuyến khích chúng ta, nhất là cán bộ công chức cấp cao phải mở rộng vòng tay với tất cả mọi người kể cả những người đã đi tù trở về”, ông Hải suy luận.
Luật sư Hải đưa ra 3 kết luận là: Phạm Sĩ Chiến không phải là người có chức vụ quyền hạn trong việc tha Năm Cam trước thời hạn. Do đó không phải là chủ thể trong hành vi nhận hối lộ; bị cáo Chiến không lợi dụng chức vụ quyền hạn, đã có Vụ 2B và kiểm sát viên kiểm tra thực tiễn nên bị cáo Chiến ký kiến nghị 1333 là không sai thẩm quyền của mình; dàn máy nghe nhạc cho đến giờ này vẫn chưa có kết luận là tang vật. Cả 3 dấu hiệu phạm tội chưa rõ ràng nên: “Đề nghị 2 kiểm sát viên giữ quyền công tố tại toà chuyển kiến nghị của tôi đến VKSND Tối cao về việc rút quyết định truy tố và tuyên bố ông Phạm Sĩ Chiến không phạm tội nhận hối lộ”.
Trong ngày 10/5, hai bị cáo con của Trương Văn Cam là Trương Hiền Bảo và Trương Thị Lan cũng được luật sư Lưu Văn Tám trình bày xong phần bào chữa trước HĐXX.
Sáng thứ hai, luật sư Nguyễn Quang Hiền sẽ tiếp tục bào chữa cho bị cáo Phạm Sĩ Chiến.
Nghĩa Phương