Hai nghị định mới xây dựng là Nghị định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Nghị định sửa đổi Nghị định 04 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Nghị định 17 về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp đất đang sửa phải dừng lại, vì theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao, còn một số vấn đề liên quan đến điều kiện chuyển đổi, chuyển nhượng, chưa được sự thống nhất của các bộ. Ba văn bản khác: sửa đổi Nghị định 87 về khung giá đất, sửa đổi Nghị định 22 về đền bù thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất, Nghị định hướng dẫn cho Việt kiều mua nhà, đất tại Việt Nam vẫn chưa được các cơ quan chủ trì là Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng trình lên.
Chưa sửa ngay được vì nhạy cảm
Ông Phạm Đức Phong - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính - cho biết, Bộ đã được Chính phủ cho chậm thời điểm sửa đổi Nghị định 87 và 22 với lý do các vấn đề quá nhạy cảm, cần được nghiên cứu trên cơ sở tập hợp các thông tin đầy đủ từ thực tế. Theo Bộ Tài chính, chậm nhất là trong quý II/2002 sẽ hoàn thành 2 văn bản quan trọng này. Theo ông Phong, hiện tại Ban soạn thảo đang tập hợp báo cáo về thực tế giá chuyển nhượng đất đai tại các tỉnh để làm căn cứ xây dựng khung giá đất. Khung giá sửa đổi vẫn trên nguyên tắc của Nghị định 87 cũ, tức không thay đổi về phương pháp định giá cũng như cách tính hệ số giá.
Chưa có thông tin về mức giá đất dự kiến tại thời điểm này, tuy nhiên trước đó, trong dự thảo trình Quốc hội hồi tháng 6, mức giá đưa ra đã không được các bộ, ngành địa phương chấp nhận, vì cho rằng quá cao (đất đô thị loại 1, vị trí 1 lên tới 40 triệu đồng/m2). Ông Phong cho biết: “Có thể khung giá mới sẽ chia đất đô thị thành nhiều vị trí hơn để tính giá cho sát thực tế (quy định hiện hành có 4 vị trí), đồng thời thay cho việc chia loại đất, sẽ xác định vị trí đối với đất nông nghiệp để tạo sự công bằng hơn khi đền bù”.
Giá đất sẽ tăng không đáng kể?
Về cơn sốt đất trong thời gian qua, ông Phong nhận xét: “Cơn sốt thực chất chỉ tập trung tại khu vực đất ở đô thị. Số này lại rất nhỏ so với nhu cầu đất sản xuất kinh doanh. Vì vậy nếu lấy căn cứ đó để nâng giá đất thì sẽ gây bất lợi cho khu vực sản xuất, bởi giá thuê đất cao làm tăng giá thành. Đấy là chưa kể việc tăng giá ấy cũng không căn cứ trên nhu cầu thực mà chủ yếu do tâm lý”.
Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính Bùi Xuân Sơn tỏ ra sốt ruột vì dự kiến thay đổi khung giá đã làm cho thị trường rối loạn. “Phải coi đất đai là hàng hóa, thứ hàng hóa đặc biệt nhà nước phải kiểm soát được giống như giá vàng và đôla”, ông nói. Thế nhưng để làm được việc này, nhà nước không chỉ sửa đổi khung giá đất mà phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp khác.
Hiện tại, khi chưa có hướng dẫn cụ thể thì những quy định mới trong Luật Đất đai vẫn được thực hiện theo những văn bản cũ. Ông Phong lưu ý, giá đất để làm căn cứ tính thuế và tính giá đền bù vẫn theo Nghị định 87 và văn bản sổ sung năm 2000 (Nghị định 17), cho phép nâng tối đa hoặc giảm tối thiểu không quá 50% khung giá 87. “Như vậy cũng khá chủ động cho địa phương”, ông Phong nói.
(Theo Thanh Niên)
Theo dòng sự kiện:
Nhà nước bỏ quên khung giá đất (29/9)
Chỉ một số Việt kiều được mua nhà (15/9)
Cơ quan xây dựng nghị định chưa thống nhất được mức giá đất (1/9)
Nhà nước giữ đất và điều khiển thị trường (8/8)
Đất đai: Dân tiến, Nhà nước lùi (7/8)
Không thực hiện kịp khung giá đền bù đất đai theo luật mới (3/8)
Luật Đất đai: Bức xúc chồng lên bức xúc (20/7)
Việt kiều không hoan nghênh Luật Đất đai sửa đổi (16/6)