Theo tờ trình do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đọc, dự luật gồm lời mở đầu, 7 chương với 47 điều, quy định hoạt động giám sát của Quốc hội thông qua các kỳ họp, công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ cùng hội đồng và các ủy ban của Quốc hội, hoạt động giám sát của đại biểu, và trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát. Nội dung dự luật này làm rõ quyền giám sát đã được quy định chung chung trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp, Quy chế hoạt động đại biểu...
Vai trò giám sát tối cao của Quốc hội là vấn đề được đại biểu nhiều khóa cũng như cử tri cả nước quan tâm, đề cập trong nhiều kỳ họp. Tuy nhiên khi tham khảo các cơ quan chức năng về dự luật này, vẫn còn những ý kiến khác nhau. Như luật quy định cả nhiệm vụ, quyền hạn và trình tự, thủ tục thực hiện quyền giám sát, hay chỉ quy định về thẩm quyền của chủ thể giám sát. Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ “quyền giám sát tối cao của Quốc hội”, bởi khi thực hiện có thể chồng chéo lên công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý cấp trên với cấp dưới, can thiệp vào hoạt động bình thường của cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát... Đây sẽ là những vấn đề các đại biểu cho ý kiến để ban soạn thảo chỉnh sửa, tiếp tục trình Quốc hội thảo luận, ban hành luật vào các kỳ họp sau.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đọc tờ trình về dự án Luật Kế toán, nghe Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Mạnh Hùng trình dự án Luật Thống kê.
Theo ông Nguyễn Sinh Hùng, văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động kế toán ở Việt Nam là Pháp lệnh Kế toán thống kê. Pháp lệnh ban hành từ năm 1988 nên chưa thể hiện đầy đủ vài trò, vị trí của công tác kế toán; chưa bao quát đầy đủ toàn bộ hoạt động của nền kinh tế, nhất là những hoạt động mới phát sinh sau đổi mới; nội dung Pháp lệnh không phù hợp với đòi hỏi của kế toán trong nền kinh tế thị trường, không tương thích với các thông lệ quốc tế. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo soạn thảo dự luật, gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu tại kỳ họp cuối Quốc hội khóa X. Trong kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến để có thể thông qua vào kỳ họp thứ 3, giữa năm 2003.
Giống như Luật Kế toán, dự án Luật Thống kê cũng nhằm thay thế một phần các quy định về thống kê trong Pháp lệnh Kế toán thống kê. Theo ông Lê Mạnh Hùng, dự luật được chuẩn bị từ năm 1998, trong quá trình soạn thảo đã tham khảo Luật Mẫu thống kê của Ủy ban Thông kê Liên Hợp Quốc (dành cho các nước có nền kinh tế chuyển đổi) và các đạo luật của 15 quốc gia. Tại kỳ họp này, các đại biểu sẽ cho ý kiến, ban soạn thảo chỉnh lý để có thể ban hành Luật Thống kê vào kỳ họp sau của Quốc hội.
Nghĩa Nhân