Buổi thảo luận hướng tới chủ đề "Luật hàng không dân dụng và tự do thương mại trong ngành hàng không Việt Nam".
Theo ông Lương Hoài Nam, Giám đốc điều hành Pacific Airline, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam mới được xây dựng vẫn có "nhiều vấn đề". Luật đã bỏ quy định ưu tiên phát triển hàng không quốc gia, đối xử bình đẳng giữa các hãng, các thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc cạnh tranh giữa Pacific Airline và Vietnam Airline rõ ràng là không bình đẳng song cơ chế quản lý cạnh tranh trong vận tải hàng không của chưa được xác lập. Việc xử lý các tình huống cạnh tranh khi phát sinh chưa có cơ sở thực hiện.
"Với mô hình chỉ bằng 1/10 của Vietnam Airline, chưa có tiềm lực tài chính, các hoạt động dưới mặt đất phải thuê và bị khai thác hết thương quyền bay quốc tế thì kết quả cạnh tranh giữa hai đơn vị này đã biết trước được như thế nào", ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, trong số 85 triệu người thì chỉ khoảng nửa triệu là từng bước chân lên máy bay... và nếu tiếp tục phát triển như hiện nay, đến năm 2020, hàng không sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội. Việc nhà nước phê duyệt giá trần trong giá cước vận chuyển nội địa đã và đang hạn chế cạnh tranh bất lợi cho mô hình hàng không giá rẻ, vì mô hình này chỉ phát huy hiệu quả khi doanh nghiệp được quyền định đoạt giá trên quy luật cung - cầu. Theo đó, các hãng chỉ có quyền bán giá rẻ nhưng không có quyền tăng ngay cả giai đoạn "cao điểm, thị trường "lệnh đầu".
Ông Nam bày tỏ: "Ngành hàng không cũng như những ngành khác đều có mùa thu hoạch của mình nhưng việc nhà nước quy định khung giá thì càng đến mùa chúng tôi càng toát mồ hôi hột... Sợ vì những mùa cao điểm như trước và sau Tết âm lịch, bay một chiều đầy khách, một chiều thì trống khách thì lỗ nặng".
Đại biểu Huỳnh Thanh Thi, cụm cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất lại thẳng thắn nêu ý kiến về vấn đề tự do thương mại. Cụ thể, là lần đầu tiên, luật đã khuyến khích cho tư nhân được thành lập hãng hàng không, các nhà đầu tư nước ngoài cũng được tham gia... nhưng điều kiện cụ thể ra sao, yêu cầu thế nào thì không được chỉ rõ. Đây là lý do khiến 4 -5 đề án xin thành lập đều bị từ chối với nhận xét rất chung chung là chưa đủ điều kiện.
Vẫn theo đại biểu này, hàng không VN đang mất cân đối rõ rệt. Thị trường vẫn chủ yếu do Vietnam Airline kiểm soát khi nắm giữ 80% thị phần nội địa, Pacific Airline 15%, còn Vasco (cổ đông chính của Vietnam Airline) chủ yếu thực hiện dịch vụ taxi theo hướng chuyên chở hợp đồng là chính. "Nhà nước nên sớm mở cửa. Chúng ta đã gia nhập WTO, không thể độc quyền mãi được. Nhưng nếu không để dân ta tham gia ngay từ giờ thì khi hội nhập, chúng ta chỉ có thể ngồi nhìn người nước ngoài gặt hái thành công ngay trên thửa ruộng của mình".
Ông Phan Trung Lý, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, một trong những nội dung sửa đổi cơ bản của Luật Hàng không dân dụng VN năm 2006 so với năm 1991 là đã khuyến khích và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động hàng không. Cụ thể là đã quy định việc điều phối giờ cất cánh, hạ cánh công khai, không phân biệt đối xử, cấp giấy phép kinh doanh công khai, minh bạch, được quyền lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không... Ngoài ra, luật này cũng đã tạo điều kiện để người dân đầu tư trong lĩnh vực hàng không dân dụng... |
N. Hải