Ngày 14/6, hơn 91,5% tổng số đại biểu Quốc hội đã đồng ý thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo Luật này, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng Phan Thanh Bình nói, đa số đại biểu đã đồng ý pháp điển hoá nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội khóa XIII về một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học, giao Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng và quyết định ban hành sách giáo khoa.
UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.
Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định 6 hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục, bao gồm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên của cơ sở giáo dục và người học; xuyên tạc nội dung giáo dục; gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; hút thuốc, uống rượu, bia, gây rối an ninh, trật tự; ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; và lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.
Việc sáp nhập, chia, tách nhà trường cũng được luật quy định, bảo đảm các yêu cầu phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo quy định của Luật Quy hoạch; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quyền lợi của nhà giáo và người học; góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Luật quy định, tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục; căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể, Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các nhà trường.
Ngoại ngữ quy định trong chương trình giáo dục là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong giao dịch quốc tế. Việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong cơ sở giáo dục cần bảo đảm để người học được học liên tục, hiệu quả.
Ông Phan Thanh Bình nói, dù có ý kiến đề nghị bổ sung quy định ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ khác, tuy nhiên, Hiến pháp 2013 quy định "Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình"..., chưa quy định về ngôn ngữ thứ hai.
"Hơn nữa, về đối ngoại, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, việc dạy học ngoại ngữ đã được Bộ Giáo dục rất chú trọng, tôn trọng sự lựa chọn của người học", ông Bình cho hay.
Luật gồm 9 chương, 115 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.