Chiều 14/11, thảo luận về dự án Luật giáo dục đại học, dù còn ý kiến trái chiều về sự cần thiết ban hành luật nhưng nhiều đại biểu vẫn đề nghị Bộ GD&ĐT cần tập trung vào việc giao quyền tự chủ cho các trường, kiểm định chất lượng và kiểm soát chất lượng đào tạo chứ không nên quy định chung chung.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, các điều khoản trong luật chưa cụ thể, còn chung chung. Điển hình là hơn 20 điều khoản vẫn cần sự hướng dẫn của Thủ tướng và Bộ trưởng GD&ĐT.
Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) lại băn khoăn về thời điểm ban hành luật này bởi "nếu thực hiện tốt Luật giáo dục hiện hành thì tình hình giáo dục đại học đã không như hiện nay". Đại biểu Đáng cho rằng, chưa đủ cơ sở cũng như chưa nhất thiết phải ban hành Luật giáo dục đại học.
"Dự thảo luật không quy định cụ thể, hơn 10 điều lại để cho cấp trên quy định sau, nên có thể gọi là luật né. Nội dung quan trọng nhất về tự chủ của các trường cũng có nhiều khoản để cho Chính phủ quy định. Chất lượng dự thảo luật này chưa đạt yêu cầu, đề nghị dừng dự án luật này", tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự án luật còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, điều chỉnh và trước tiên nên thực hiện nghiêm Luật giáo dục bởi nếu chưa thống nhất được mô hình đại học thì khó quản lý.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dự án luật này còn sơ sài. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đề cập tới tự chủ đại học, đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) nhấn mạnh rằng đây phải là tư tưởng xuyên suốt của luật. Tuy nhiên, ông cho rằng về nguyên tắc thì đây là việc khó thực hiện bởi bao giờ mới kiểm định xong chất lượng cho 450 trường. Để các trường không phải "đi xin quyền tự chủ", ông Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất nên quy định các trường thành lập trước năm 2000 thì mới có quyền tự chủ.
Còn đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự án luật này vẫn bất hợp lý bởi: "Trong 6 điều quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường thì có tới 5 điều quy định thẩm quyền của Bộ trưởng GD&ĐT".
Cho rằng hội đồng trường là tối cần thiết đối với các trường tự chủ, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) ví von: “Một trường muốn tự chủ nhưng không có hội đồng trường thì cũng như một quốc gia có Chính phủ nhưng không có Quốc hội”.
Tiếp lời, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, hiện mới có 10 trên 188 đại học có hội đồng trường nên nếu tăng tự chủ thì rất cần hội đồng trường. Đồng thời, không nên quy định Hiệu trưởng hoặc Giám đốc đại học làm chủ tịch hội đồng trường vì sẽ không phát huy được vai trò giám sát.
Trước thực trạng số lượng trường đại học, cao đẳng tăng nhanh khiến cung vượt quá cầu và nhiều trường không thể tuyển được sinh viên, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, để xảy ra tình trạng hiện nay là do lỗi hệ thống bởi theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, cơ quan này hiện chỉ trực tiếp phụ trách hơn 50 trong tổng số hơn 400 trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) nhận định, việc thành lập trường tràn lan, chất lượng yếu kém đang khiến xã hội lo lắng. Vì vậy, luật cần quy định việc thành lập mới trường phải theo quy hoạch và quy trình chặt chẽ hơn.
Khẳng định điều kiện tiên quyết quyết định chất lượng giáo dục đại học chính là giảng viên, đại biểu Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) cho rằng, tồn tại lớn nhất hiện nay chính là số lượng trường không ngừng tăng lên đã khiến giảng viên thiếu và thầy cô chạy sô hết trường này tới trường khác, có người dạy tới 4-5 trường, gây khó khăn trong quản lý.
Cũng theo giáo viên tiểu học này, cần quy định trình độ chuẩn của giảng viên bởi đội ngũ này dường như không phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, số lượng sinh viên hàng năm tốt nghiệp nhiều nhưng thiếu và yếu.
Dù đồng ý với quy định giảng viên đại học phải có trình độ trên đại học nhưng đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) lo lắng trước thực trạng làm không đúng chuyên môn bởi “có tình trạng thạc sĩ quản lý giáo dục lại dạy môn triết học”.
Dù còn 20 đại biểu đăng ký phát biểu nhưng do hết giờ nên Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các đại biểu gửi ý kiến về Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thay mặt ban soạn thảo, và cơ quan thẩm tra, Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng tiếp thu ý kiến của các đại biểu và cho rằng dự án luật này cần thảo luận kỹ và tiếp thu tối đa ý kiến để có thể thông qua ở kỳ họp sau. Đầu năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị dành cho các đại biểu chuyên trách, chuyên gia giáo dục để tiếp tục lấy ý kiến về dự án Luật giáo dục đại học.
Tiến Dũng