![]() |
Đại biểu Lê Quốc Dung phát biểu trong buổi thảo luận. |
Dự luật đã đưa các quy định của Bộ luật Dân sự vào, bổ sung quyền nhà nước được định đoạt đất đai, điều tiết các nguồn lợi từ việc sử dụng tài nguyên đặc biệt này. Tuy nhiên theo cựu bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc, “các quy định này vẫn đang bỏ lửng”. Bởi nói nhà nước quản lý đất đai, nhưng chưa làm rõ được quản lý với tư cách là đại diện chủ sở hữu khác gì với quản lý nói chung - việc mà bất kỳ nhà nước nào, dù không phải là chủ sở hữu đất đai, cũng thực hiện. Vì vậy, nhà nước không thực hiện được chức năng điều tiết lợi ích chung của xã hội, và để xảy ra tình trạng “sau một đêm ngủ dậy từ một gia đình bình thường thành tỷ phú, trong lúc những người khác không được gì cả”.
Đại biểu Lê Thị Nga cũng nhận xét dự luật quy định chưa rõ về quyền sở hữu. Nên sẽ tiếp tục có cách hiểu ngoài xã hội rằng cá nhân cũng có quyền sở hữu đất, chứ không phải quyền sử dụng đất. Điều này thể hiện ở việc dự luật dùng khái niệm giá đất chứ không phải là giá trị quyền sử dụng đất. Điểm mới của luật là coi cộng đồng dân cư là một chủ thể sử dụng đất, song lại xung đột với các luật khác, bởi chưa văn bản nào ghi nhận quyền và nghĩ vụ pháp lý của chủ thể này. Có nghĩa là khi xảy ra tranh chấp sẽ không thể giải quyết được, và sẽ bổ sung vào số lượng khiếu kiện đất đai - hiện chiếm trên 70% đơn thư.
Vấn đề thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp làm một số đại biểu băn khoăn. Bởi có trường hợp người được thừa kế không có nhu cầu sử dụng. Vì vậy có phương án lấy đất của người chết giao lại cho những nhân khẩu mới sinh làm nông nghiệp. Bà Lê Thị Nga cho rằng không thể lấy lý do này để truất quyền thừa kế. Thay vào đó phải chuyển đổi cơ cấu, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp thiếu đất sang làm công nghiệp, dịch vụ. Mặt khác phải quy định chặt chẽ vấn đề tích tụ đất phát triển kinh tế trang trại. Bởi nhiều trường hợp núp bóng trang trại để đầu cơ đất đai kiếm lời. Nông dân từ chỗ làm chủ, sau khi chuyển nhượng đất giá rẻ, trở thành người làm thuê.
Một thay đổi lớn lần này là dự luật yêu cầu UBND các tỉnh đầu năm phải lập khung giá đất và công bố rộng rãi. Tuy nhiên theo đại biểu Lê Quốc Dung, các phương pháp kiểm soát giá cả kèm theo chưa đủ mạnh, nên sẽ tiếp tục còn địa tô chênh lệch lớn mà nhà nước không thu được. Dự luật đưa ra phương án người có đất đăng ký giá đất với nhà nước vừa để làm nghĩa vụ thuế, vừa làm căn cứ bồi thường khi thu hồi. Song ông Dung cho rằng quy định như vậy chưa chặt chẽ, cần bổ sung.
Các đại biểu Đặng Thị Phượng, Ngô Sĩ Hưởng, Tôn Thất Bách trao đổi những điểm cụ thể hơn. Theo bà Phượng, đang có những vấn đề đất đai nảy sinh khi bố trí chỗ ở cho người lao động ở các khu công nghiệp. Công nhân sống chật chội với 6-7 người trong một căn phòng 10 m2. Vì vậy luật cần quy định trách nhiệm khi quy hoạch khu công nghiệp phải giành quỹ đất cho nhà ở cùng các công trình văn hóa thể thao phục vụ người lao động. Ông Hưởng nêu ra những khó khăn trong cấp giấy tờ nhà đất cho công nhân vùng công nghiệp Thái Nguyên. Rất nhiều người sinh sống hàng chục năm trong các khu nhà do nhà máy cấp, nay không thể xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Bách cho rằng quy định quy hoạch cấp tỉnh ổn định 5 năm, cấp huyện ổn định trong 1 năm khó tạo tâm lý yên tâm làm ăn cho người dân. Trong khi đó việc thu hồi đất chỉ báo trước 3 tháng, người bị thu hồi không xoay xở kịp. Ông đề nghị phải nâng thời gian báo trước này lên 2 năm, đồng thời kém với cơ chế đền bù đất bị thu hồi phải có chính sách tạo việc làm cho người dân. “Quốc hội cần quan tâm hơn nữa đến quyền lợi của họ” - ông Bách nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được cho rằng, đất đai là vấn để rất phức tạp, nên đại biểu cần tiếp tục trao đổi mọi khía cạnh. Thứ hai tuần sau, các đại biểu tiếp tục bàn về đạo luật quan trọng này.
Nghĩa Nhân