Tại Mỹ, khi thiên tai hoặc thảm họa ập tới, nếu người bán hàng lợi dụng nhu cầu tăng đột biến (thường đi cùng khan hiếm về nguồn hàng) và ra giá quá cao cho mặt hàng nhu yếu phẩm, sẽ bị coi là "nâng giá cơ hội".
Tại 34 trên tổng số 51 bang và đặc khu, hành vi nâng giá cơ hội khi chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp bị pháp luật coi là vi phạm Luật chống hành vi thương mại bất công hoặc lừa dối. Mức xử lý có thể là phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Kệ hàng một siêu thị ở Florida (Mỹ) sau khi người dân đổ xô trữ đồ trước tin bão Irma sắp đổ bộ, năm 2017. Ảnh: Jason Henry/The New York Times.
Mức giá "quá cao" hoặc "vô lương tâm" thường được xác định bằng cách so sánh mức giá trung bình tại vùng bị ảnh hưởng với mức giá trong khoảng thời gian nhất định trước khi tình trạng khẩn cấp được ban bố. Nếu giá hiện tại cao hơn 10-15% (một số bang có mức trần cao hơn), người bán sẽ bị coi là có hành vi nâng giá cơ hội.
Ví dụ, điều 50-6,106 của luật chung bang Kansas quy định người cung cấp "hàng hóa hoặc dịch vụ thiết yếu" với giá bán cao hơn 25% so với giá trước khi tình trạng khẩn cấp được ban bố có thể bị phạt 10.000 USD với mỗi lần vi phạm. Trong đó, "tình trạng khẩn cấp" được hiểu là khoảng thời gian được quyết định dựa trên công bố của tổng thống hoặc thống đốc bang khi có thảm họa hoặc thiên tai như bão, lốc xoáy, động đất, bạo loạn, hoặc các tình thế cực kỳ nguy hiểm khác.
Mức phạt sẽ được tăng lên thành 20.000 USD nếu nạn nhân là người cao tuổi. Ngoài ra, hành vi rao bán nhu yếu phẩm với giá cao không cần phải đi kèm giao dịch thực tế mới bị coi là vi phạm.
Tại bang Florida, điều 501.160 thuộc Bộ quy định quản lý thương mại, kinh doanh, và đầu tư xác định "nhu yếu phẩm" là những mặt hàng như nước uống, thức ăn, hóa chất, xăng dầu, gỗ, chỗ ở...
Người nào có hành vi bán nhu yếu phẩm với mức giá "vô lương tâm" (lớn hơn nhiều so với giá trung bình trong 30 ngày trước tình trạng khẩn cấp) có thể bị phạt 1.000 USD và 60 ngày tù giam. Nếu vi phạm nhiều lần trong một ngày, mức phạt tăng lên 25.000 USD.
Trong các bang có luật chống nâng giá cơ hội, Oklahoma và Louisiana là hai bang có mức phạt nặng nhất. Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt lên tới 10 năm tù, nếu hành vi nâng giá cơ hội gây hậu quả nghiêm trọng (như có người chết).
Tuy nhiên, không phải việc tăng giá nào cũng bị coi là nâng giá cơ hội. Nếu chủ hàng chứng minh được do chi phí đầu vào tăng, hoặc phải tính thêm chi phí trả cho nhân viên (như lương ngoài giờ, thuê thêm nhân viên, đảm bảo an ninh,...) và chi phí vận chuyển vì tình trạng khẩn cấp (ví dụ, hàng hóa phải được vận chuyển bằng trực thăng) thì sẽ được xem xét.
Quốc Đạt (Theo Find Law)