Sau 30 năm chung sống, bà Cynthia, 60 tuổi, trú tại North Carolina, nghi chồng là ông Alan Shackelford, 62 tuổi, ngoại tình. Thuê thám tử tư, bà được cho biết chồng có quan hệ tình cảm đã 5 năm với Anne Lundquist, 49 tuổi.
Bà Cynthia do đó khởi kiện nhân tình của chồng vì hành vi "chia rẽ tình cảm". Bà nói vụ kiện không phải vì tiền mà nhằm "phát thông điệp" dành cho những kẻ thứ ba và những gã phản bội: Hãy biến đi. Vụ kiện được bà kỳ vọng giúp các cô gái "sáng mắt" khi muốn xen vào gia đình yên ấm.
Khi phân xử vụ kiện, tòa án buộc Anne Lundquis phải bồi thường 9 triệu USD cho người vợ danh chính ngôn thuận, theo quy định về hành vi "chia rẽ tình cảm" (Alienation of Affection).
Cụ thể, luật này quy định bên thứ ba phải chịu trách nhiệm về sự tan vỡ của cuộc hôn nhân của bên khởi kiện. Các bị đơn không nhất thiết phải là "kẻ thứ ba" mà còn có thể là bố mẹ chồng, bạn bè của hai người, các nhà trị liệu tâm lý hoặc bất cứ ai đã khuyên vợ/chồng của bạn chấm dứt mối quan hệ với bạn.
Luật ít được biết đến và hiện chỉ còn tồn tại ở 7 bang gồm: Utah, Hawaii, New Mexico, Mississippi, Missouri, North Carolina và South Dakota. Riêng ở North Carolina, mỗi năm có khoảng 200 vụ kiện dạng này.
>>Bị hủy hôn, có thể đòi lại sính lễ không?
Chia rẽ tình cảm là hành vi thuộc luật được gọi nôm na là "heart balm" (thuốc xoa dịu trái tim) tồn tại từ những năm 1850 cho phép những người bị bỏ rơi trong tình yêu, tìm kiếm sự bồi thường tài chính cho nỗi thống khổ của họ.
Luật quy định những hành vi có thể khởi kiện bao gồm ngoại tình, dụ dỗ ngoại tình, hủy hôn, chia rẽ tình cảm hoặc can thiệp tiêu cực vào cuộc hôn nhân của người khác...
Lịch sử văn hóa và pháp lý của những hành vi này khá thú vị khi ban đầu chỉ nam giới mới có thể khởi kiện, do giai đoạn đầu thế kỷ 19 tại Mỹ, một phụ nữ đã kết hôn hầu như không có quan hệ pháp lý nào được công nhận mà mọi quyền và nghĩa vụ của cô được đặt dưới quyền của chồng. Cô không thể sở hữu tài sản, ký kết hợp đồng, khởi kiện hoặc nhận lương bằng chính tên mình. Chỉ phụ nữ chưa lập gia đình, mới có quyền sở hữu tài sản và ký kết các hợp đồng.
Luật "heart balm" coi vợ là một loại "tài sản" của chồng nên có quyền kiện nếu bên thứ ba can thiệp vào "tài sản" của anh ta.
Trong nhiều thập kỷ, bắt đầu từ năm 1839, các đạo luật cho phép phụ nữ kiểm soát tài sản cá nhân và bất động sản, ký kết hợp đồng và kiện tụng, thừa kế độc lập với chồng, làm việc ăn lương và viết di chúc đã được ban hành. Từ đây, các vụ kiện "heart balm" với nguyên đơn là nữ giới mới bắt đầu xuất hiện.
Thời kỳ huy hoàng nhất của luật này vào những năm 1920, khi những vụ kiện đình đám của giới nhà giàu với khoản bồi thường tương đương hàng triệu USD ngày nay, được phơi bày trên mặt báo. Thời kỳ này đã chứng kiến nhiều gia đình danh gia vọng tộc chịu trả hàng trăm nghìn USD bồi thường, khi trót ngăn cản cuộc hôn nhân không "môn đăng hộ đối" của con trai mình với cô gái xuất thân tầm thường và bị khởi kiện.
Luật cũng quy định, lễ đính hôn là một hợp đồng pháp lý ràng buộc giữa hai người. Nếu một người phá vỡ hợp đồng mà không hỏi ý kiến người kia, luật pháp có thể can thiệp và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho bên chịu đau khổ. Những chàng trai thay lòng đổi dạ, bắt cá hai tay do đó cũng dè chừng với khoản "tình phí" này khi muốn hủy hôn.
Nhưng dần dần các "vụ kiện thất tình" biến tướng được sử dụng rộng rãi để hạ nhục, tìm cách trả thù, tống tiền khiến người trong cuộc buộc phải dàn xếp tiền nong vì sợ dư luận xấu. Các cô gái "đào mỏ" cũng tận dụng luật này để giăng lưới các đại gia, sau đó kiện tụng đòi tiền.
Đến năm 2016, trước nhiều chỉ trích, hơn 40 bang của Mỹ đã bãi bỏ luật này.
Hải Thư (Theo ABC, Middle Templar, Legal Match, Tise Law, Good morning America)