Công ty Bột giặt Mỹ phẩm Daso, trong một thời gian dài, thường xuyên bị một số đối thủ cạnh tranh thuê người đi theo dõi, bí mật làm hỏng các sản phẩm trưng bày và bán trong các cửa hàng. Thậm chí, những kẻ “đâm thuê, chém mướn” còn đi giật phá các tấm băng rôn và biển quảng cáo hợp pháp trong các chiến dịch quảng cáo của công ty. Đại diện Daso cho biết, gần đây, họ còn bị rò rỉ các thông tin nội bộ về công việc sản xuất kinh doanh và thỉnh thoảng lại bị mất một nhân viên có trình độ và kinh nghiệm lâu năm, khi điều tra thì mới biết các nhân viên này bị mua chuộc bằng vật chất hoặc những hứa hẹn về một chỗ làm lý tưởng hơn...
Đó chỉ là một ví dụ về tình trạng nhức nhối trên thương trường hiện nay: kiểu làm ăn chụp giật, triệt hạ đối thủ cùng ngành với nhau, gây ra tổn thất không nhỏ cho các DN làm ăn chính đáng và thiệt hại chung cho toàn xã hội. Hiện tượng tiêu cực này đang có xu hướng gia tăng mà một phần bởi chưa có đạo luật nào quy định về vấn đề này cũng như chưa có chế tài xử phạt thích đáng với các hành vi vi phạm. Đây cũng là lỗ hổng pháp lý để nhiều DN nước ngoài ép sân các DN trong nước. Nhiều DN sản xuất, kinh doanh nước giải khát không thể quên “cơn ác mộng” bị phá sản chỉ trong thời gian ngắn bởi “người khổng lồ” Coca-Cola áp dụng chiêu thức bán phá giá hàng loạt để loại bỏ đối thủ cạnh tranh.
Điều đáng nói là các biện pháp phá giá đó được coi là cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí là phạm pháp nếu theo pháp luật Mỹ, bản quốc của Coca-Cola. Nhưng do ta chưa có luật trên lĩnh vực này nên họ vẫn tha hồ làm mưa làm gió trên thị trường Việt Nam.
Nhiều người đánh giá, việc soạn thảo Luật Cạnh tranh và chống độc quyền, được khởi động từ một năm nay, đang chuyển động quá chậm. Hậu quả tới đây có thể là DN trong nước không thể hội nhập AFTA theo lộ trình đã vạch ra, năm 2006, khi hầu hết thuế suất nhập khẩu lùi về 0%.
(Theo Đầu Tư)
Theo dòng sự kiện:
Luật Cạnh tranh - liệu có khả thi? (31/5)
Lần đầu tiên thảo luận công khai Luật Cạnh tranh (30/5)
Cấm “bắt tay nhau” để quyết định giá hàng hóa, dịch vụ (16/3)