Tháng 1/2015, Singapore phạt một người 19.800 SGD (khoảng 15.000 USD khi đó) vì ném tàn thuốc ra khỏi cửa sổ nhà mình. Cơ quan Môi trường Quốc gia cho biết đây mức phạt cao nhất lịch sử nước này, và có thể là cao nhất thế giới cho hành vi ném mẩu thuốc lá.
Ở Singapore, hút thuốc được định nghĩa là hít hoặc thải khói thuốc lá, cầm điếu thuốc đang cháy hoặc đang bốc khói hoặc bất kỳ dạng sản phẩm thuốc lá nào.
Từ năm 2018 đến 2021, Singapore liên tục tăng độ tuổi hợp pháp được hút thuốc, từ 18 lên 21. Người dưới 21 tuổi hút thuốc có thể bị phạt tới 300 SGD. Việc hút thuốc bị cấm ở hầu hết địa điểm công cộng. Đặc biệt, hút thuốc ở bất cứ nơi nào trong phạm vi 5 mét quanh các trường học cũng bị cấm.
Theo Đạo luật Y tế Công cộng Môi trường (EPHA), cá nhân nào xả rác (trong đó có tàn thuốc lá) đều phải chịu phạt 2.000 SGD cho lần vi phạm đầu tiên, 4.000 SGD ở lần thứ 2 và 10.000 SGD cho lần thứ 3 trở đi.
Tại Australia, đầu lọc thuốc lá là loại rác thải bị vứt bừa bãi nhiều nhất. Thống kê của Bộ Môi trường nước này cho thấy, toàn quốc tiêu thụ 24 tỷ điếu thuốc lá đầu lọc mỗi năm và 1/3 trong số này bị vứt bừa bãi. Tính riêng ở Western Australia, tiểu bang lớn nhất nước (chiếm 1/3 lãnh thổ), đầu lọc thuốc lá chiếm khoảng 30% số lượng rác thải tại đây. Các mẩu thuốc lá vứt bừa bãi cũng là nguyên nhân gây ra khoảng 700 vụ cháy rừng mỗi năm ở bang này
Australia đã ban hành Đạo luật Xả rác từ rất sớm, năm 1979. Theo đó, bạn có thể bị phạt 200 AUD nếu vứt tàn mẩu thuốc lá không đúng cách. Nếu mẩu thuốc lá khi vứt bỏ vẫn còn tàn lửa, mức phạt sẽ tăng lên 500 AUD vì được coi là rác nguy hiểm. Ngoài ra, việc châm thuốc cho nhau bằng một điếu thuốc đang cháy dở có thể bị phạt tới 16.000 USD.
Mức phạt có thể thay đổi tùy từng bang. Ví dụ ở New South Wales, mức phạt tối thiểu cho hành vi ném đầu mẩu thuốc lá ra khỏi cửa sổ ôtô là 250 AUD. Nhưng nếu hành vi xảy ra trong mùa khô, dễ cháy rừng, mức phạt lên tới 2.200 AUD. Còn Western Australia, mức phạt có thể lên tới 25.000 AUD và phạt tù tới một năm.
Tài xế còn có thể bị trừ 4-10 điểm trong bằng lái xe (nếu điểm trừ tích lũy đạt đến giới hạn, 7-14 điểm, tùy loại phương tiện, tài xế sẽ bị tịch thu giấy phép).
Tại Tây Ban Nha, hành vi xả rác dù vô tình hay cố ý, đều bị tính là tội nhẹ, với mức phạt tiền 200-4.000 Euro.
Riêng hành vi ném đồ khỏi xe đang di chuyển, kể cả tàn thuốc, sẽ bị phạt 200 Euro và trừ 4 điểm giấy phép lái xe. Nếu tàn thuốc gây bẩn, hư hại mặt đường, mức phạt là 3.800-9.800 Euro và nếu gây cháy rừng, người vi phạm phải đối mặt án tù 3-6 năm.
Tây Ban Nha nâng cao mức phạt với hành vi ném tàn thuốc, sau một vụ nổ hầm ngầm nghiêm trọng nhất châu Âu: Vụ hỏa hoạn trong đường hầm MontBlanc ở biên giới Pháp và Italy, năm 1999. Khi đó, một xe tải bốc cháy do tàn thuốc từ một ôtô khác. Lửa bùng lên và mất 53 giờ mới được dập tắt, 39 người thiệt mạng. Đường hầm bị đóng cửa trong ba năm, tiêu tốn 150 triệu Euro để sửa chữa và thiệt hại kinh tế thêm 800 triệu Euro.
Cơ quan giao thông Tây Ban Nha thống kê 38% số rác thải kích thước dưới 10 cm của nước này là tàn thuốc lá, chủ yếu đến từ người tham gia giao thông, trong đó tài xế ôtô 53% và người đi bộ 23%.
Tại Mỹ, tổ chức Keep America Beautiful thống kê, người hút thuốc thải ra khoảng 4,5 nghìn tỷ mẩu thuốc lá mỗi năm. Bộ Lâm nghiệp Mỹ báo cáo, tàn thuốc lá là nguyên nhân hàng chục nghìn vụ cháy lớn nhỏ mỗi năm. Cũng giống Australia, mỗi bang của Mỹ có mức phạt riêng cho hành vi xả đầu thuốc lá bừa bãi
Tại Virginia, việc xả rác bừa bãi là tội nhẹ loại một, có thể bị phạt tù lên tới 12 tháng và/hoặc phạt tiền lên tới 2.500 USD. Bộ luật Lâm nghiệp cũng quy định việc ném "bất kỳ vật liệu đang cháy" nào ra khỏi xe hơi là vi phạm pháp luật, được tính là tội nhẹ loại 2, có thể bị phạt tới 6 tháng tù và/hoặc phạt tiền lên tới 1.000 USD.
Bang Illinois hạn chế cháy rừng bằng cách đặt mức phạt riêng cho hành vi ném thuốc lá từ ôtô, trên đường cao tốc, có hiệu lực vào năm 2014. Theo đó, Luật chống xả rác mới nghiêm khắc hơn nhiều và gây tranh cãi gay gắt vì mức phạt quá cao. Lần ném mẩu thuốc lá đầu tiên có thể dẫn tới 1.500 USD tiền phạt và bị quy tội nhẹ. Song ở lần 3, mức phạt khổng lồ lên tới 25.000 USD, và được tính là trọng tội (không được xét khung án treo).
Texas hơn 40 năm nay nổi tiếng với chiến dịch chống xả rác thải bừa bãi, mang tên Don't mess with Texas - Đừng có nhờn với Texas, đem lại hiệu quả đáng nể. Riêng với tàn thuốc lá, mức phạt lần một là 500 USD và lần hai tới 2.000 USD kèm 180 ngày tù.
Láng giềng phía nam của Mỹ, Mexico được biết đến là quốc gia áp đặt một trong những luật chống hút thuốc lá nghiêm ngặt nhất thế giới, từ đầu năm nay. Mexico cùng Ireland, Hy Lạp, Hungary và Malta hiện là những quốc gia có môi trường không khói thuốc nghiêm ngặt nhất. Các quốc gia này cấm hoàn toàn việc hút thuốc ở những nơi công cộng, bao gồm cả thuốc lá điện tử.
Từ năm 2019, nước này đang cân nhắc các cải cách Luật Chất thải rắn tăng gấp 10 lần mức phạt với hành vi vứt tàn thuốc lá lung tung, từ 30 peso (2,5 USD) lên 300 pesos, mức phạt rất đáng kể so với mức sống bình quân của người dân. Ngoài ra, những địa điểm cho phép hút thuốc, nếu không cung cấp gạt tàn và thùng vứt mẩu thuốc lá, sẽ bị phạt 500-2.000 peso.
Tại Việt Nam, ngày 11/5/2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 11/2023/TT quy định 13 địa điểm cấm hút thuốc lá.
Hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt 100.000-150.000 đồng (Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP).
Người có hành vi vứt tàn thuốc sai quy định gây cháy dẫn đến thiệt hại 100 triệu đồng sẽ bị xử phạt tiền từ 5-10 triệu đồng (Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Người hút thuốc tại bệnh viện (địa điểm có quy định cấm) bị cảnh cáo và bị xử phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng (Điều 25 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Hải Thư (Theo Reuters, KABC, Straitstimes, CNA, ABC, Euro News)