Tôi từ thành phố về nghỉ hè, rủ đám trẻ chơi những trò chơi mới mà cậu bé kia không thích, vì cậu ấy chưa quen nên khó áp đặt. Thế là cãi nhau. Bác vó bè nhức đầu, bảo chúng tôi thi đấu để xác định vai trò dẫn dắt cuộc chơi chung.
Tôi nhỏ hơn, chân tay ngắn, nên buộc phải áp sát và dùng các kỹ năng khóa, đè và thắng. Bác vó bè thấy thế bèn ra luật: Không chơi vật. Tôi phải chấp nhận, hiệp tiếp theo, tôi bị trúng đòn đau, nhưng cố nhịn, lỳ lợm tìm cách chỉ tập trung đấm vào môt điểm trên mặt cậu bé kia để cậu ấy chảy máu mà sợ. Khi cậu ấy bắt đầu dập môi, bác vó bè lại ngừng trận đấu, và ra luật: Không chơi đấm vào mặt. Tôi hết cách, bỏ về, và từ đó rủ bọn trẻ con đến chơi ở chỗ khác.
Khu vườn đẹp đẽ đó từ ấy không có tiếng trẻ con. Cậu con trai của bác vó bè từ đó về sau không có bạn. Mỗi lần về quê, gặp lũ bạn cũ ôn nghèo kể khổ, tôi không thấy ai còn nhắc tới cậu ấy. Tôi cũng quên mất tên cậu ta, chỉ vô tình nhớ đến bác vó bè và cách ra luật của bác ấy khi đọc dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô của Bộ Giao thông vận tải.
Bộ Giao thông vận tải bắt đầu xây dựng dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô để thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP từ giữa năm 2016. Đó là khi mà các ứng dụng đặt xe bắt đầu làm thay đổi thị trường vận tải hành khách công cộng, tạo áp lực buộc phải đổi mới để tồn tại đối với các hãng taxi truyền thống.
Trong 2 năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã 5 lần trình dự thảo mà vẫn chưa thể chốt được luật chơi mới cho thị trường này. Tháng 10 năm nay, bản dự thảo lần thứ 6 đã được công bố, và tôi vừa đọc xong thì nhớ đến bác vó bè những ngày xa xưa, bởi cách xây dựng luật theo kiểu đánh nhau tự do nhưng cấm vật, hoặc cấm đấm vào mặt.
Việc xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 86 xuất phát từ một trong những nhu cầu quan trọng là nhằm điều chỉnh phương thức hoạt động của các loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. Bối cảnh của ngành này xuất hiện những phương thức kinh doanh mới, trong đó nổi bật nhất là các phương thức hợp đồng điện tử. Quá trình hơn 2 năm sửa đi sửa lại các bản dự thảo cho thấy Bộ Giao thông khá lúng túng đối với những phương thức kinh doanh vận tải mới.
Và trong dự thảo lần thứ 6, được trình mới đây, có một chi tiết thể hiện rõ nhất sự lúng túng này. Đó là quy định: không công nhận hợp đồng điện tử được áp dụng cho các xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Chưa kể, trước ngày 01/7/2019, xe ô tô có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe) kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng phần mềm hợp đồng vận tải điện tử đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng thì phải thực hiện cấp đổi phù hiệu xe taxi.
Có một câu hỏi không thể trả lời thỏa đáng đối với quy định kể trên. Đó là vì sao có sự khác biệt về việc công nhận hợp đồng điện tử giữa các loại xe có sức chở khác nhau? Vì sao xe trên 9 chỗ được công nhận hợp đồng điện tử, còn dưới 9 chỗ thì không? Sự khác biệt này chỉ có thể lý giải bởi cuộc cạnh tranh ồn ào giữa taxi truyền thống và xe ứng dụng hợp đồng điện tử kéo dài suốt những năm vừa qua. Trong cuộc chiến này, những đại diện hùng mạnh của taxi truyền thống đã thất thế một cách khá nhanh trước đối thủ là những xe hợp đồng, được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các phương thức kết nối hiệu quả do các công ty nền tảng cung cấp.
Quy định trong dự thảo của Bộ Giao thông vận tải, tước bỏ quyền giao kết bằng hợp đồng điện tử dành cho xe hợp đồng dưới 9 chỗ, vì thế, là một cách để tước bỏ kỹ năng của đối thủ cạnh tranh với taxi truyền thống. Xe trên 9 chỗ không cạnh tranh với taxi.
Sự lúng túng này của Bộ Giao thông vận tải, với "dấu hiệu" kìm chế đối thủ cạnh tranh của taxi truyền thống rất giống với sự lúng túng của bác vó bè khi cố tìm cách bảo vệ lợi thế của cậu con trai. Tôi nhớ đến bác vó bè, và nhớ đến kết cục của câu chuyện năm xưa, khi những đứa bé bỏ đi khỏi khu vườn để lại một thằng bé cô độc không niềm vui.
Năm xưa, bác vó bè có lẽ cũng muốn con mình có được thiện cảm của bạn bè và khu vườn xinh đẹp của ông đầy ắp niềm vui. Nhưng, thay vì khuyên bảo cậu con trai tử tế học các thứ mới mẻ và cạnh tranh đàng hoàng với bạn bè, ông lại nghĩ đến việc triệt tiêu năng lực của những đứa trẻ khác bằng cách áp đặt những luật lệ bắt nạt.
Phạm Trung Tuyến