Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe năm 1989 đã quá lạc hậu, ít khả năng điều chỉnh những vấn đề xảy ra trong thực tế khám chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe hiện nay. Đó là ý kiến chung của các chuyên gia tại cuộc họp về sửa đổi luật này ngày 16/9.
Thứ trưởng Y tế Lê Ngọc Trọng nhận định, 15 năm qua có quá nhiều vấn đề mới nảy sinh như hiến ghép mô tạng, sinh con theo phương pháp khoa học, quyền được chết, nghiên cứu cấu trúc gene người trong phòng thí nghiệm, chuyển đổi giới tính... Những điều này chưa được đề cập đến trong luật. Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, luật cũng chưa xem trọng những vấn đề cần thiết, hầu như không nói gì về bảo hiểm y tế, rất ít nói về y tế tư nhân hoặc chỉ là những quy định mang tính thủ tục chứ chưa đi vào thực chất. Vì vậy, luật gần như đứng ngoài đời sống, ngay cả nhân viên y tế cũng không xem trọng.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, luật mới ngoài việc bổ sung những thiếu sót đã nói ở trên còn phải tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để bảo vệ cả người bệnh và nhân viên y tế bằng cách phân định rõ ràng quyền và trách nhiệm. Bà nói: "Nhiều năm nay chúng tôi rất trăn trở, bộ luật nào bảo vệ cho người bệnh? Các ca ghép gan, mổ tách song sinh được ca ngợi nhiều nhưng nếu rủi ro xảy ra thì ai bảo vệ?".
Nhiều đại biểu cho rằng, luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân sửa đổi nên có thêm quy định về khám nghiệm tử thi, chăm sóc sức khỏe sinh sản... và bỏ một số quy định đã được thể hiện rõ ràng ở các văn bản pháp luật khác. Chẳng hạn, nên bỏ phần quy định về bảo vệ sức khỏe trẻ em vì điều này đã được nói đến trong luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nên bỏ quy định về lao động nữ bởi Bộ luật Lao động đã có một chương về vấn đề này.
Ngoài ra, một số nhà hoạch định chính sách còn đề xuất đổi tên Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân thành Luật về y tế hoặc Luật về sức khỏe.
Hải Hà