>Nhận bài dự thi "Viết cho tuổi học trò"
Mười hai năm phổ thông của tôi tuy không hoành tráng, lừng lẫy như những học sinh kiệt xuất nhưng cũng có chút gọi là để ngẫm suy khi lớn dần với cuộc đời. Ấn tượng còn mãi trong tôi là ba năm phổ thông cuối cùng.
Rất nhiều chuyện xảy đến với cô bé mười lăm, mười sáu như tôi, ở cái tuổi thiếu nữ vẫn không quá nhỏ, cũng chưa hẳn trưởng thành.
Tôi, ngày ấy được thầy cô bạn bè thương tặng nickname “Bà cụ non” bởi tôi luôn suy nghĩ khác người, lo xa và đôi chút lẩm cẩm khó chịu. Người lớn là thầy cô thấy thú vị với một cô bé cá tính như tôi. Bạn cùng lớp ái ngại mỗi khi tôi mở miệng phát biểu.
Đó là thời gian đầu khi tôi vào lớp mười. Rất nhiều bạn không thích tôi vì tính tôi thẳng thắn, không hài lòng điều gì là nói ngay. Mà sự thật luôn mất lòng, và luôn luôn có một người cảm nhận rõ sự khó chịu ấy, đó là lớp trưởng lớp tôi.
Tôi là lớp phó học tập. Bạn là lớp trưởng. Những tưởng hai cán bộ chủ chốt sẽ ăn rơ với nhau trong các hoạt động của lớp, nhưng không. Bản tính tôi bộc trực, nóng nảy. Bạn như cô tiểu thư vui tính có phần vô tư. Tôi lo lắng nhiều chuyện trong lớp. Bạn là người lãnh đạo nhưng trái ngược. Đó là ý kiến chung của khá nhiều bạn trong lớp.
Tôi lúc ấy mười sáu tuổi, nghĩ bạn và các bạn hoạt động Đoàn trong lớp chỉ mê cái danh hão từ các hoạt động ở trường mà bỏ bê lớp mình. Trong giờ sinh hoạt đầu tuần, tôi – thay mặt nhiều bạn, đứng lên góp ý công tác của lớp trưởng và những cá nhân đó đối với việc trong và ngoài lớp. Bạn nước mắt ngắn dài vùng vằng chỉ trích tôi lấy quyền gì mà nói thế với bạn, tôi đã biết làm gì cho lớp?
Tôi giận sôi. Thầy giáo can ngăn. Không khí lớp chùng xuống. Tôi không khóc lấy một giọt. Tôi ngây người. Tôi không nói sai điều gì, chỉ là tôi quá thẳng thừng, không biết mềm mỏng câu nói và thái độ. Chiến tranh lạnh nổ ra.
Tuổi mười sáu của tôi không dịu dàng như nhiều nữ sinh khác có phần vì lý do đó. Sự việc xảy ra làm tôi suy nghĩ mãi về cá tính của mình. Nhiều người nói thẳng thắn là tốt, có tinh thần góp ý xây dựng là tốt. Vấn đề là phải bình tĩnh ôn hòa mọi việc.
Một phần trong tôi ngày ấy tự nhận mình có chút ngông cuồng. Nhưng sự ngông và nóng ấy chỉ xảy ra khi tôi đánh giá mọi việc chi tiết nhất, chính xác nhất. Vì tôi không cho phép mình đánh giá ai hay điều gì đó chỉ qua bề nổi.
Ngày ấy tôi còn quá nhỏ để kiểm soát cảm xúc. Việc bạn tự tin trong suy nghĩ của mình khác hẳn với việc bạn thể hiện ra bên ngoài. Ở tuổi mười sáu, thật khó để chúng ta làm chủ chính mình. Tôi lờ mờ nhận ra vấn đề của mình, một vấn đề chỉ bản thân mình mới hiểu và có khả năng cải thiện mà thôi.
Tôi suy nghĩ về bạn, về những mối quan hệ không suôn sẻ xung quanh. Quả thật khá nhiều người bạn mới không thích tôi vì thấy tôi quá thẳng thừng và quyết liệt. Các bạn sợ dù rằng tôi khá hài hước và thích huyên thuyên.
Những năm lớp mười, mười một, bạn bè của tôi co cụm trong ba bàn gần chỗ ngồi của tôi nhất. Tôi và lớp trưởng vẫn không hay nói chuyện với nhau trừ khi cần bàn bạc chuyện của lớp. Có điều gì đó vô hình chặn giữa chúng tôi. Có vẻ ngại ngùng khó nói lắm! Có vẻ cả hai chẳng ai dám tìm hiểu ai dù có vẻ cũng muốn.
Năm mười hai, chúng tôi vẫn là cán bộ lớp. Mọi chuyện tương đối dễ thở hơn.
Một lần bạn mời tôi về nhà ăn cơm trưa. Tôi vui vẻ nhận lời. Lần đầu tôi biết nhà bạn. Thấy một góc cuộc sống của bạn. Và tôi hiểu vì sao bạn có tính tiểu thư, một tính cách trái ngược hoàn toàn cá tính của tôi. Tôi bắt đầu cảm thông, trò chuyện với bạn hơn.
Đó là một cô gái tuy còn vô tư nhưng suy nghĩ cũng không còn của trẻ con. Có phần chững chạc ấy chứ! Nhưng sao thực tế bạn thể hiện chẳng giống một phần con người mà tôi thấy? Điều ấy cũng xảy ra với tôi!
Có phải cái tuổi ẩm ương đẩy chúng tôi vào thế bí hiểm ấy? Phải chăng cuộc đời ở tuổi mười bảy, mười tám bắt chúng tôi tìm kiếm chính mình và ngộ ra nhiều chân lý bất ngờ và đầy khó chịu như thế?
Những ngày cuối cùng ở năm mười hai, chúng tôi cãi nhau một trận rất to vì những bất mãn suốt ba năm học. Cả lớp ngao ngán. Tôi mệt mỏi. Tôi buông. Gần ba năm qua tôi có nỗ lực kiềm hãm tính cách của mình, tôi thấy bạn cũng vậy.
Bằng chứng là bạn vui vẻ với tôi hơn, rủ tôi đi luyện Anh với bạn. Mà sao trước khi rời trường, tôi và bạn lại vô tình làm đau nhau như thế?
Một điều cho đến giờ tôi vẫn băn khoăn, là chưa giải quyết khúc mắc trong mối quan hệ của chúng tôi. Tôi lớn hơn trước khá nhiều, về cả tuổi lẫn nếp nhăn trên não, mà sao ngần ngại quá những câu xin lỗi dù chẳng phân định ai nhiều lỗi hơn ai. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc nhưng mọi thứ còn gượng gạo. Trong bạn thế nào cũng có những suy nghĩ như tôi.
Dù thế nào đi nữa, cuộc đời này tôi vẫn dành riêng cho bạn một lời cám ơn chân thành vì đã giúp tôi nhìn ra một phần con người mình, nơi những cá tính bất trị sẽ không bao giờ ngủ yên nhưng chắc chắn phần nào không còn ngông như ngày xưa nữa.
Nghĩ về thời điểm đầy nông nổi ấy, tôi nay cám ơn cuộc đời đã cho tôi những trải nghiệm vừa dễ thương vừa bốc đồng của tuổi trẻ. Nhìn lại tôi của bốn năm sau đó, đã trưởng thành hơn, đã biết nói sao để mọi người vừa lòng và vui vẻ nhận lỗi. Vẫn là một cô gái cá tính nhưng thôi nóng nảy như trước. Nhiều nhiều lắm những thay đổi nơi tôi mà khi va vấp với bạn, tôi mới nhận ra.
Tuổi học trò của tôi không hoành tráng, nhưng đầy chất học trò, vô tư, nông nổi, loay hoay kiếm tìm bản thân… Thế cũng đủ để tôi mỉm cười khi nghĩ về những năm đầu đời.
Đinh Thị Vân Anh
Cuộc thi ‘Viết cho tuổi học trò’ Cuộc thi nhằm giúp các bạn trẻ chia sẻ những câu chuyện về tuổi học trò, vui hoặc buồn, khiến bạn bật cười hay muốn khóc khi nghĩ đến. Nhưng đó là nơi cất giữ một phần con người bạn, là cuốn cẩm nang đúc kết những bài học sẽ theo suốt cả cuộc đời. Hãy chia sẻ với chúng tôi con người đó, câu chuyện đó của bạn hoặc những người xung quanh để những bài học của bạn sẽ trở thành của mọi người, để giúp cho ai đó còn đang chưa tìm được lối thoát sẽ nhận ra sự đồng cảm và niềm hy vọng vẫn tồn tại trong cuộc đời này và để tuổi học trò mãi mãi là những dấu ấn không quên trong mỗi chúng ta. Cuộc thi do FPT Polytechnic phối hợp với VnExpress và iOne.net tổ chức. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi và gửi bài tham dự tại đây |