Sáng 31/7, chị Nguyễn Hồng Thương, trú xã Trà Cang, huyện Nam Trà My đi bộ ba giờ đến vườn trồng 2.000 cây sâm trên đỉnh núi Ngọc Linh. Quan sát kỹ các luống, chị chọn 5 cây 1-7 tuổi mang dự thi tại phiên chợ sâm ở xã Trà Mai.
Trong đó có cây 7 tuổi nặng hơn 100 gram, cao 60 cm, trị giá gần 20 triệu đồng. "Cây này chỉ dự thi, sau đó mang về trồng lại trong vườn chứ không bán. Cây từng cho hơn 50 hạt nên tôi để làm giống", chị giải thích.
Mỗi cây sâm vẫn còn mùn đất bao quanh củ, chị Thương bỏ thêm rêu bọc trong lá môn. Phần thân và lá chị dùng lá chuối rừng bọc lại, dùng dây buộc. Sáng 1/8, vợ chồng chị gùi sâm đi xe máy 20 km xuống phiên chợ xã Trà Mai.
Đến chợ, chị cẩn thận rửa sạch mùn đất, đặt cây trong chậu và xếp trên bàn dự thi. Ban giám khảo sẽ quan sát sâm bằng mắt thường và đánh giá bằng kinh nghiệm để cho điểm. Để tính tuổi sâm, họ đếm mắt, mỗi mắt là một tuổi.
Cùng dự phiên chợ, anh Hồ Văn Đấu, trú xã Trà Linh mang 4 cây sâm, cây non nhất một tuổi, già nhất hơn 10 tuổi. Đây là lần thứ tư anh mang cây dự thi, các lần trước đoạt giải nhì. "Tôi không đặt nặng phải đoạt giải, mục đích đến giao lưu học hỏi kinh nghiệm trồng sâm", anh nói.
Cây sâm hơn 10 tuổi của anh Đấu nặng hơn 200 gram, có gần 50 hạt xanh, được Ban giám khảo đánh giá là một trong những cây có hình dáng đẹp, cành lá xanh tốt, bộ rễ nhiều. Nhiều thương lái trả giá trên 30 triệu đồng, nhưng anh không bán. "Cây này cho hạt nhiều, tôi dùng ươm cây con để mở rộng diện tích. Hiện vườn sâm của gia đình có hơn 3.000 cây", anh cho biết.
Lễ hội sâm lần thứ năm do chính quyền huyện Nam Trà My tổ chức thu hút hơn 100 hộ dân ở bảy xã, chủ yếu là đồng bào Xê Đăng. Ban tổ chức trao nhiều giải cho các loại sâm 1-4 tuổi, 5 tuổi, 7 tuổi, 9 tuổi và trên 10 tuổi. Tiền thưởng cao nhất 1,5 triệu đồng, thấp nhất 500.000 đồng.
Ông Trịnh Minh Quý, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện, Trưởng ban giám khảo, cho biết hội thi nhằm tạo sân chơi cho người dân, góp phần đưa nghề trồng sâm phát triển bền vững. Ban giám khảo sẽ tìm ra những cây sâm có hình dáng đẹp, cân đối cả rễ, thân cây và củ để trao giải vào ngày 3/8.
Sâm Ngọc Linh được trồng trên ngọn núi cùng tên, thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Trong 40 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay do những tính chất đặc biệt nổi trội và trồng ở vùng địa lý đặc thù.
Huyện Nam Trà My được quy hoạch vùng sâm Ngọc Linh 15.000 ha, hiện có 1.250 hộ gia đình trồng hơn 2.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 10 tấn, giá trị 600 tỷ đồng. Trong phiên chợ sâm, giá bán củ loại lớn 160 triệu đồng/kg, loại nhỏ 60 triệu đồng/kg. Những củ nhiều năm tuổi giá cao hơn.