Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết vụ đông xuân (gieo cấy tháng 10, thu hoạch cuối tháng 4) vừa qua lúa ma đã lan rộng ở hàng chục tỉnh thành. Hiện Cục chưa công bố tỷ lệ thiệt hại cụ thể.
Riêng tại Nam Định, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cho biết diện tích nhiễm lúa ma là 303 ha, trong đó nhiễm nặng 29,5 ha, mất trắng 4,5 ha, gấp hai lần so với vụ trước. Đây là nguồn tích lũy lan truyền và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng trong vụ mùa năm nay (cấy tháng 5, thu hoạch tháng 11).
Hiện đã xuất hiện một số vùng nhiễm lúa ma không cho thu hoạch, trong đó hơn 70% tại xã Nam Thái, huyện Nam Trực và xã Nghĩa Đồng, huyện Nghĩa Hưng. Người dân được yêu cầu cày vùi dập toàn bộ để tránh phát tán nguồn bệnh.
Lúa ma được phát hiện từ huyện Yên Khánh, Ninh Bình, vào năm 2018, đến nay đã lây lan hầu hết huyện, thành phố trong tỉnh. Thống kê của Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, năm 2020 diện tích nhiễm là 380 ha; năm 2021 hơn 730 ha, đến vụ đông xuân 2021-2022 tăng lên hơn 1.220 ha.
Trong đó 407 ha nhiễm nặng, buộc tiêu hủy 28 ha, tập trung ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư... Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật đánh giá lúa ma gây hại không kém bất cứ loại dịch nào, nếu không xử lý triệt để có thể lây lan trên diện rộng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa.
Tại Thái Bình, lúa ma đầu tiên xuất hiện năm 2018 ở huyện Kiến Xương. Ban đầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chỉ nghi ngờ, đến cuối năm 2020 khi Viện Bảo vệ thực vật về lấy mẫu giám định thì mới chắc chắn. Đến vụ xuân năm 2021, giống lúa này xuất hiện tại 10 xã trong huyện với diện tích 29 ha, trong đó có hơn 10 ha phải gieo cấy lại bằng máy cấy, cấy tay.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trạm trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kiến Xương, cho biết trạm đã hướng dẫn nông dân nhổ bỏ lúa ma từ lúc gieo sạ, nhưng không thể làm xuể. Loại hạt có râu, chiều cao vượt trội dễ phát hiện, nhưng có loại thấp như lúa thường. Do đó, với những diện tích nhiễm từ 60% trở lên, huyện Kiến Xương yêu cầu nông dân cắt bỏ toàn bộ.
Tại Hà Nam, lúa ma xuất hiện khoảng 5 năm nay, phát triển mạnh trong 3 năm. Vụ vừa qua, toàn tỉnh có gần 220 ha bị nhiễm, một số diện tích thất thu hoàn toàn. Trong đó, huyện Thanh Liêm bị nặng nhất với 107 ha.
Lúa ma, hay còn gọi là lúa cỏ, lúa trời, lúa hoang, có thời gian sinh trưởng ngắn hơn lúa thường. Ở giai đoạn đầu, lúa này phát triển mạnh hơn nên cạnh tranh dinh dưỡng với lúa thường. Với đặc điểm dễ rụng hạt, lúa ma dễ phát tán trên đồng ruộng, tồn tại sang các vụ tiếp theo. Hạt lúa có sức sống mạnh, sau khi rụng xuống nếu gặp điều kiện thuận lợi thì nẩy mầm luôn, nếu gặp bất lợi thì ngủ và duy trì sức nảy mầm trong vài năm.
Viện Bảo vệ thực vật khuyến cáo, để hạn chế lúa ma phát triển cần sử dụng hạt giống sạch, luân canh lúa với cây trồng khác như đậu tương, cấy theo hàng thay vì gieo sạ giúp dễ nhận biết khi mọc để nhổ bỏ. Nông dân cần làm đất sớm sau khi thu hoạch để lúa ma nảy mầm rồi nhổ bỏ...
Phạm Chiểu