Đế chế Đông La Mã hay Byzantine đã sử dụng lửa Hy Lạp từ thế kỷ thứ 7 để đẩy lùi các cuộc xâm lược của người Arab trong nhiều năm, đặc biệt là trên biển. Điều làm cho vũ khí hủy diệt này trở nên độc đáo là khả năng tiếp tục cháy, thậm chí là bùng lên mạnh mẽ hơn khi tiếp xúc với nước, do đó nó còn được gọi là "lửa biển", theo All That's Interesting.
Lửa Hy Lạp ra đời như thế nào?
Lửa Hy Lạp được tạo ra vào thế kỷ thứ 7, rất có thể là phát minh của Kallinikos, một kiến trúc sư người Do Thái chạy trốn từ Syria đến kinh đô Constantinople. Đó là thời điểm đế chế Đông La Mã đang bị tấn công bởi các lực lượng Hồi giáo của Muhammad và một số vùng của Syria đã bị đánh chiếm.
Lo ngại quân Hồi giáo tiếp tục chiếm đóng Constantinople, Kallinikos đã thử nghiệm nhiều loại vật liệu khác nhau cho đến khi ông phát hiện một hỗn hợp chất lỏng giúp tạo ra ngọn lửa tàn khốc.
Kallinikos đã gửi công thức cho hoàng đế Đông La Mã và các nhà chức trách đã phát triển một loại vũ khí hoạt động giống như ống tiêm, đẩy hỗn hợp gây cháy về phía tàu địch.
Hỏa lực hủy diệt
Lửa Hy Lạp không chỉ hiệu quả mà còn cực kỳ đáng sợ. Bên cạnh khả năng tiếp tục cháy trong nước, nó còn tạo ra một tiếng gầm lớn và nhả nhiều khói, gợi liên tưởng đến hơi thở của một con rồng, khiến kẻ thù "rùng mình kinh hãi", theo World History.
Lửa Hy Lạp cũng có thể bám vào mọi bề mặt. Bất cứ thứ gì trên tàu địch, như giàn buồm, cánh buồm, vỏ tàu và cả con người, sẽ lập tức bốc cháy nếu tiếp xúc với nó. Tệ hơn nữa, không có cách dễ dàng nào để dập lửa. Chất lỏng gây cháy đặc biệt này thậm chí còn lan mạnh hơn khi gặp nước. Lửa Hy Lạp chỉ có thể được dập tắt bằng một hỗn hợp kỳ lạ bao gồm giấm, cát và nước tiểu cũ.
Phát minh của Kallinikos đã phát huy hiệu quả trong việc đẩy lùi hạm đội của kẻ thù và kết thúc Cuộc vây hãm Constantinople của người Arab lần thứ nhất vào năm 678. Nó cũng thành công tương tự trong Cuộc vây hãm Constantinople của người Arab lần hai (717 - 718).
Cho đến nay, không ai biết chính xác về những thành phần tạo nên lửa Hy Lạp. Công thức của nó là một bí mật quốc gia, chỉ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình Kallinikos và các hoàng đế Đông La Mã.
Có một điều chắc chắn là lửa Hy Lạp rất phức tạp. Ngay cả kẻ thù đã tiếp xúc trực tiếp với vũ khí hủy diệt này cũng không biết làm cách nào để tái tạo nó.
Một số học giả cho rằng dầu mỏ, vôi sống, lưu huỳnh, kali nitrat và thuốc súng có thể nằm trong các thành phần tạo nên lửa Hy Lạp, nhưng đến nay vẫn chưa có sự tái tạo nào đạt được hiệu quả thực sự, theo Greek Reporter.
Bí ẩn về ngọn lửa Hy Lạp tiếp tục thu hút các nhà sử học và khoa học, những người vẫn cố gắng tìm hiểu công thức của nó. Nhiều khả năng nhà văn và biên kịch người Mỹ George RR Martin cũng đã sử dụng giai thoại về lửa Hy Lạp để làm nguồn cảm hứng cho trận cháy rừng trong tiểu thuyết và chương trình truyền hình nổi tiếng Game of Thrones.
Hiệu quả trong nhiều thế kỷ
Người Đông La Mã tiếp tục sử dụng lửa Hy Lạp trong nhiều thế kỷ và việc sử dụng nó không chỉ giới hạn trong các trận hải chiến. Vũ khí bí mật này còn được sử dụng theo nhiều cách trên đất liền.
Có một phiên bản cầm tay của lửa Hy Lạp được gọi là Cheirosiphon, một thứ vũ khí giống như phiên bản cổ của súng phun lửa. Cheirosiphon lần đầu tiên xuất hiện dưới thời Hoàng đế Leo VI (886 - 912) và được sử dụng để tự vệ cũng như đốt cháy các tháp vây được làm bằng gỗ của quân địch.
Ngoài ra, người Đông La Mã còn lấp đầy các lọ đất sét bằng lửa Hy Lạp để ném chúng vào kẻ thù giống như lựu đạn.
Chông sắt - thiết bị kim loại có gai rải trên mặt đất để cản trở xe ngựa - cũng được quân đội Đông La Mã ngâm trong lửa Hy Lạp để tăng cường khả năng sát thương.
Từ thế kỷ thứ 7 cho đến khi Constantinople sụp đổ vào ngày 29/5/1453, lửa Hy Lạp đóng vai trò rất quan trọng trong các cuộc chiến chống quân xâm lược, khiến nó trở thành một trong những phát minh quân sự có ảnh hưởng nhất trong lịch sử.
Theo một số nhà sử học, chính ngọn lửa Hy Lạp đã giúp cho đế chế Đông La Mã đẩy lùi những kẻ thù hùng mạnh như người Arab, Bulga và Nga, qua đó cứu toàn bộ nền văn minh phương Tây.
Đoàn Dương