Bệnh nhân xuất hiện hạch ở cổ, 5 năm trước được chẩn đoán u tuyến giáp, bác sĩ chỉ định mổ song gia đình từ chối điều trị để về nhà uống thuốc nam.
Bệnh ngày càng nặng, cậu bé khó thở. Gia đình đưa người bệnh vào Bệnh viện Ung bướu Hà Nội trong tình trạng không thể nằm ngửa, cần máy trợ thở.
Qua hình ảnh chụp chiếu, bác sĩ xác định khối u thùy giáp trái đã di căn phổi đa ổ, lan xuống hõm ức, kích thước 8x9 cm, đè ép khí quản lệch hẳn sang phải, gây hẹp lòng khí quản. Đường kính khí quản chỗ hẹp nhất còn 4 mm. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị khó thở nghiêm trọng (với người bình thường, đường kính khí quản có kích thước khoảng 12 mm). Ngoài ra, khối u còn khiến giọng nói của em bị khàn, ăn uống khó khăn.
Tiến sĩ Phan Lê Thắng, Phụ trách Khoa Ngoại Theo yêu cầu, ngày 9/3, cho biết nếu không điều trị, khối u tiếp tục phát triển sẽ chèn ép và bịt kín đường khí quản, kết hợp với việc đã di căn vào phổi, khiến tính mạng bị đe dọa. Tuy nhiên, chỉ định phẫu thuật với ca bệnh này cũng là một quyết định vô cùng mạo hiểm.
Bác sĩ Hà Kim Hảo, Trưởng khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, cho biết để gây mê trên những bệnh nhân có vấn đề về đường thở, bác sĩ cần đặt ống nội khí quản để chỉ huy hô hấp. Với bệnh nhi này, quá trình có thể xảy ra tình trạng tắc đường thở do u giáp to chèn ép, xâm lấn khí quản và phù nề thanh khí quản. Hơn nữa, khối u lớn, tăng sinh mạch máu, nằm dưới trung thất là vị trí khó, đặc biệt là với một bệnh nhân nhỏ tuổi, quá trình bóc tách dễ gây ra chảy máu ồ ạt.
"Những nguy cơ trên khiến bệnh nhân có thể tử vong ngay trên bàn phẫu thuật bất cứ lúc nào", bác sĩ Hảo nói. "Không chỉ vậy, khi kết thúc ca mổ và rút ống nội khí quản cũng rất nguy hiểm vì bị chèn ép lâu ngày, khí quản có nguy cơ bị mềm, xẹp (hay còn gọi là nhuyễn khí quản), gây suy hô hấp".
Đối mặt với hàng loạt bất trắc, các bác sĩ và bố mẹ bệnh nhi đã phải đưa ra lựa chọn hết sức khó khăn. Cuối cùng, gia đình quyết tâm đặt hy vọng cuối cùng vào ca phẫu thuật.
Ca mổ được tiến hành vào tuần trước dưới sự phối hợp của khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức và khoa Ngoại Theo yêu cầu. Sau 2 giờ "cân não" trong phòng mổ, ca phẫu thuật thành công. Các bác sĩ cắt toàn bộ tuyến giáp, vét hạch cổ, hạn chế được tối đa tình trạng mất máu trong quá trình phẫu thuật. Bệnh nhi không cần truyền thêm máu.
Sau mổ, bệnh nhi vẫn phải tiếp tục thở máy, được theo dõi sát sao trong phòng hậu phẫu trong 20 giờ. Khi đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, các bác sĩ hồi sức quyết định cho bệnh nhân rút ống nội khí quản để tập thở.
Hiện tại, bệnh nhi đã tự thở tốt, ăn uống đi lại bình thường và giọng nói cũng không còn bị ảnh hưởng. Khi sức khỏe hồi phục, em sẽ tiếp tục được điều trị Iot 131 với các di căn phổi.
"Mổ có thể chết, mà cứ để vậy con cũng không biết sống ra sao. Tôi cảm thấy rơi vào đường cùng. May mắn các bác sĩ đã cứu được con", người mẹ nói và gửi lời cảm ơn các bác sĩ.
Bác sĩ Thắng cho biết, ung thư tuyến giáp nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có tiên lượng tốt, tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm tương đối cao. Trường hợp u to, chèn ép và di căn của bệnh nhi này là rất hiếm, do bệnh đã tiến triển trong thời gian quá lâu.
Bác sỹ khuyến cáo khi có triệu chứng bất thường, người bệnh nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh bỏ lỡ giai đoạn vàng trong điều trị ung thư.