Hai năm Covid-19 xuất hiện, thói quen mua sắm, sinh hoạt của người tiêu dùng thay đổi. Nhu cầu mua sắm Tết tăng cao có thể khiến giá leo thang, chính vì thế, bạn nên lên kế danh sách chi tiết những thứ cần mua, tìm hiểu giá cả tại các trang thương mại điện tử, cửa hàng khác nhau. Điều này giúp cân bằng ngân sách hợp lý.
Ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc
Nhiều năm nay, với mặt hàng thực phẩm tươi sống, chị Nguyễn Như Thu (TP HCM) chỉ chọn mua những thực phẩm chỗ người quen, biết nguồn hàng rõ ràng. Thói quen đi chợ có điều chỉnh, tuần chị đến chợ hai lần thay vì ngày nào cũng ghé qua sau tan sở như trước dịch bệnh.
"Việc mua thực phẩm có nguồn gốc khiến bản thân yên tâm. Ví dụ như thịt bò tươi giúp chế biến món ăn ngon hơn. Khi đại dịch đến, bản thân nhận thức rằng, việc bảo vệ sức khỏe của các thành viên cho gia đình từ dinh dưỡng rất quan trọng", chị Thu thông tin.
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chị Thu sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm. Chị không sử dụng thịt vật nuôi bị ôi, hỏng; tránh xa khu vực chứa chất thải và nước thải trong chợ; tuyệt đối không tiếp xúc, sử dụng thịt động vật chết do bị bệnh vì đây là những nguồn gây bệnh nguy hiểm.
Để bảo vệ sức khỏe, chị cũng duy trì thói quen rửa tay bằng xà phòng, các dung dịch sát khuẩn có cồn ngay sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thịt sống để tránh mang mầm bệnh về nhà.
Thực tế, Covid-19 đến tác động đến đời sống của người tiêu dùng. Theo một nghiên cứu của ADM OutsideVoice - đơn vị nghiên cứu độc lập của tập đoàn ADM, 77% người tiêu dùng có xu hướng chú trọng giữ gìn sức khỏe trong tương lai.
Thanh toán online
Covid-19 ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng của chị Thu. Chị ưu tiên thanh toán trực tuyến thay vì trả tiền mặt. Chị Thu giải thích, thói quen giúp hạn chế tác nhân gây bệnh bởi virus có thể trú ẩn ở tiền mặt, tăng nguy cơ nhiễm Covid-19.
Theo báo cáo của Facebook và Bain & Company, lần đầu tiên tỷ lệ thanh toán tiền mặt (COD) sụt giảm đáng kể từ 60% (năm 2020) xuống còn 42% (năm 2021). Sức hút mạnh mẽ từ các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phản ánh qua mức tăng sử dụng ví điện tử lên đến 82% và tăng chuyển khoản ngân hàng lên tới 18%.
Mua hàng trực tuyến, tích điểm
Thời điểm Sài Gòn giãn cách, chị Thu ít đi chợ. Người mẹ trẻ mua hàng qua các ứng dụng trực tuyến. Điều này giúp chị tiết kiệm thời gian.
Khi mua hàng trực tuyến, chị Thu tìm hiểu, mua tại các trang thương mại điện tử uy tín. Hàng hóa đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng nhận nhiều khuyến mãi, tích điểm khi thanh toán online. Thực phẩm, hàng hóa mua từ những nơi uy tín được nhân viên giao nhanh, thái độ phục vụ chuyên nghiệp.
Công nghệ mang đến những thay đổi tích cực trong cuộc sống. Tính đến đầu năm nay, Việt Nam có 68,72 triệu người sử dụng Internet, chiếm 70,3% dân số, theo số liệu từ của Trung tâm Internet Việt Nam. Internet ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội và xu hướng chuyển đổi số phát triển mạnh.
Ngoài ra, người tiêu dùng có xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng ngày nay ý thức rõ ràng sản phẩm không chỉ cần có chất lượng tốt mà còn phải an toàn cho sức khỏe và không ảnh hưởng đến môi trường sống.
Covid-19 đến, bách hóa trực tuyến là ngành hàng duy nhất duy trì sự tăng trưởng vững chắc và xuyên suốt từ đầu mùa dịch. Đáng chú ý, hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm như: thức ăn khô, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh; sữa và các chế phẩm từ sữa; nước xả vải... tiếp tục là mặt hàng bán chạy.
Đại diện Sở Công thương TP HCM nhận định, Covid-19 làm thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm. Người tiêu dùng tiến hàng mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Theo đó, các giải pháp đặt hàng thông qua thiết bị di động, công nghệ, giao hàng tại nơi người tiêu dùng thuận tiện nhận hàng theo thời điểm phù hợp. Với tính tiện lợi từ việc giao nhận, đặt hàng trực tuyến, các dịch vụ mua bán hàng hóa không tiếp xúc gia tăng mạnh nên được ưu tiên lựa chọn nhiều. Xu hướng sắp tới ứng dụng công nghệ số trong chi tiêu trở thành tất yếu của người dân.
Vừa qua, Sở Công thương TP HCM, FPT ra mắt "Chợ trực tuyến" trên ứng dụng Utop. Mô hình trở thành cầu nối gắn kết tiểu thương, người dân, giúp cung ứng nhu yếu phẩm trở nên dễ dàng hơn trong thời điểm dịch bệnh.
Theo đó, với mô hình này, tiểu thương chợ truyền thống sẽ được hỗ trợ mở gian hàng trên ứng dụng Utop để tiếp cận với hình thức bán hàng công nghệ 4.0. Người dân ở nhà muốn đi chợ trực tuyến, sử dụng ứng dụng Utop, chọn chợ gần nhà để mua. Trên Utop, người tiêu dùng có thể tìm thấy những sạp hàng quen thuộc, những mối hàng quen thuộc giống như mình đang đi chợ thực tế. Sau khi chọn hàng xong, hàng sẽ được xử lý và giao tận nhà.
Đại diện Sở Công thương cho biết, bên cạnh những biện pháp tổ chức của cơ quan quản lý thì bản thân các tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống cũng cần phải thay đổi những dịch vụ cung ứng cho khách hàng. Cụ thể như nâng cao chất lượng phục vụ; đảm bảo kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nâng cao được sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại trên thị trường; chủ động tiếp cận kênh kinh doanh theo hình thức trực tuyến để bắt kịp xu thế của thị trường và nhu cầu của khách hàng... Đồng thời, tiểu thương thay đổi cách ứng xử, xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh, lịch sự, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, người tiêu dùng khi đến với chợ truyền thống.
Lê Nguyễn