Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, vẫn nhớ như in lời đề nghị đặt anh vào tình huống khó xử.
Bệnh nhân mắc ung thư đại tràng giai đoạn cuối, đang điều trị hóa chất liều cao. Anh là con trai duy nhất trong gia đình. Biết tiên lượng con "lành ít dữ nhiều", gia đình mong muốn trì hoãn điều trị, trữ tinh trùng để sinh em bé sau này. Đây cũng là nguyện vọng của người vợ.
Theo bác sĩ, bệnh nhân trẻ tuổi, mới lập gia đình, nguyện vọng có con nối dõi là chính đáng. "Thật khó để nói không", bác sĩ Nam nghĩ, song người bệnh đã điều trị hóa chất trong thời gian dài để tiêu diệt và làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Thuốc có thể gây tác dụng phụ, "ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng", nguy cơ sinh con dị tật cao, thậm chí đột biến gene. Nếu muốn trữ tinh trùng, bệnh nhân phải can thiệp trước khi bắt đầu điều trị truyền hóa chất hoặc phải dừng điều trị từ 6 tháng đến một năm. Tuy nhiên, việc ngừng điều trị có thể khiến tình trạng người đàn ông chuyển xấu nhanh chóng, khó tiên lượng.
"Lúc này, quyết định của bác sĩ đóng vai trò sống còn với sinh mạng người bệnh", anh Nam nói.
Nhanh chóng lấy lại tinh thần, bác sĩ động viên bệnh nhân nên kiên trì điều trị theo phác đồ. Anh khuyên gia đình cân nhắc để đưa ra lựa chọn hợp lý, ưu tiên kéo dài sự sống cho người bệnh.
Trường hợp khác, nữ, 22 tuổi, đi khám tại Bệnh viện Đại học Y phát hiện ung thư buồng trứng, khối u to 30 cm chèn ép nhiều cơ quan. Để điều trị, bác sĩ cắt bỏ khối u, sau đó hóa trị để ngăn di căn. Lúc này, bệnh nhân mong muốn trữ trứng trước khi can thiệp để bảo tồn trứng lành, sau khi khỏi bệnh sẽ thụ tinh nhân tạo để mang thai.
Song, trong quá trình trữ trứng, cần tiêm thuốc nội tiết kích thích nang trứng phát triển và tiến hành thủ thuật chọc hút. Quá trình này nguy cơ gây chảy máu buồng trứng, phát tán tế bào ung thư từ buồng trứng vào trong ổ bụng và các cơ quan lân cận, thúc đẩy nhanh giai đoạn bệnh.
"Chưa kể, chất lượng trứng thu có thể không đảm bảo", bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, cho biết.
Bệnh nhân nữ, 29 tuổi cũng mong muốn được trữ trứng trước khi điều trị ung thư. Tuy nhiên, siêu âm buồng trứng hai bên chỉ có 5 nang, xét nghiệm chỉ số dự trữ buồng trứng chỉ 0,5 ng/ml, có xu hướng thoái hóa nhanh hơn so với tuổi. Nếu kích trứng, mỗi chu kỳ chỉ có thể trữ được 2-3 trứng và không thể chắc chắn là trứng đảm bảo tốt để thụ tinh. Người bệnh phải mất nhiều tháng để theo dõi và kích trứng, trong khi bệnh nhân đang chạy đua thời gian để điều trị ung thư.
Sau khi cân nhắc, bác sĩ buộc phải đưa ra lời khuyên ưu tiên điều trị bệnh trước, sau khi sức khỏe ổn định có thể mang thai bằng cách xin noãn và thụ tinh ống nghiệm.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao trên toàn cầu, với hơn 300.000 người hiện mắc bệnh, gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân chết mỗi năm. Tùy tình trạng, giai đoạn bệnh, tính chất của khối u, bác sĩ sẽ có những chỉ định phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hay phối hợp nhiều biện pháp để hiệu quả tốt nhất.
Nếu bạn có dự định kết hôn và sinh con trong tương lai thì nên trữ trứng, tinh trùng trước khi hóa chất hoặc xạ trị. Bởi, thuốc điều trị ung thư sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng, trứng. Khi trữ đông, đồng hồ sinh học của trứng và tinh trùng sẽ dừng lại thời điểm đó, được bảo quản trong môi trường nitơ lỏng -196 độ C, thời gian không giới hạn. Ở Việt Nam, chi phí trữ khoảng 50-60 triệu đồng, trong khi một số nước Đông Nam Á khoảng 6.000-10.000 USD.
Hiện chưa có thống kê về số lượng bệnh nhân mong muốn trữ đông trước khi điều trị ung thư, song người dân ngày càng quan tâm và tìm hiểu nhiều hơn. Trữ đông trứng và tinh trùng còn giúp người bệnh ổn định tâm lý, quá trình điều trị ung thư thuận lợi, tích cực hơn.
Theo bác sĩ, quyết định trì hoãn ung thư để mang thai, sinh con vô cùng khó khăn và mỗi người có nguyện vọng khác nhau. Nhiều trường hợp là con duy nhất trong gia đình, có nguyện vọng tha thiết trì hoãn để trữ. Còn gia đình đã có đủ con, tình trạng bệnh ở giai đoạn xấu..., bệnh nhân thường chọn điều trị để kéo dài sự sống.
Thỉnh thoảng, bác sĩ cũng phải nhượng bộ theo mong muốn của người nhà trong những hoàn cảnh đặc biệt. "Tuy nhiên, khi lựa chọn điều trị không đúng thì người bệnh chịu nhiều thiệt thòi nhất", bác sĩ Tỵ nói.
Do đó, bệnh nhân nên sáng suốt, có trách nhiệm với sức khỏe của mình. Gia đình cần bình tĩnh và trao đổi kỹ với bác sĩ để người thân được thăm khám cũng như điều trị tốt nhất.
Bác sĩ Đỗ Thùy Hương, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khuyên bệnh nhân không nên quá tuyệt vọng khi không thể trữ đông. Để mang thai, cặp vợ chồng có thể xin trứng hoặc tinh trùng, "miễn là con sinh ra khỏe mạnh".
"Bác sĩ vừa phải tuân thủ nguyên tắc công việc, vừa phải đặt mình vào địa vị người bệnh để biết mình nên làm gì, từ đó đồng hành, chia sẻ giúp bệnh nhân chiến đấu với bệnh tật", bà Hương nói.
Thùy An