Chị Kim Hằng (quận Tân Bình, TP HCM) thấy quảng cáo bán điện thoại Samsung Galaxy A70 với lời giới thiệu "Xả kho, giảm giá 49%" từ một Fanpage có tên giống với một trang thương mại điện tử nổi tiếng.
Do tin tưởng lời của nhân viên về chế độ bảo hành của hệ thống thương mại điện tử, cho phép đổi trả hàng trong 7 ngày, chị quyết định thanh toán ngay số tiền 3,39 triệu đồng. Tuy vậy, chiếc máy mới mua sập nguồn ngay trong lần đầu sử dụng và sau đó không thể bật lên nữa. Kiểm tra kỹ, các phụ kiện đi kèm đều không có thương hiệu và không thể sử dụng được.
Liên hệ với hotline của trang thương mại điện tử để yêu cầu bảo hành, chị Hằng mới biết mình đã mắc lừa bởi đơn hàng của chị không có trên hệ thống. Fanpage bán chiếc máy này cũng không liên quan gì đến trang thương mại điện tử kể trên. "Khi liên hệ với cửa hàng, họ đồng ý trả lại tiền và có hỏi thông tin để chuyển khoản, tuy nhiên đã 3 tuần rồi mà mình chưa nhận được, đành chấp nhận mất tiền", chị Hằng chia sẻ.
Đơn hàng mà chị Hằng nhận được kèm theo lời cam kết hoàn tiền trong 7 ngày. |
Anh Hữu Việt (Ba Đình, Hà Nội) cũng đã đặt mua một chiếc Galaxy A70 từ bài quảng cáo với nội dung tương tự. Thấy đúng nhu cầu, anh bấm vào quảng cáo và được chuyển hướng tới một website có giao diện khá chuyên nghiệp. Sau khi điền thông tin, anh được một số di động gọi lại để "chốt đơn". 6 ngày sau, gói hàng được chuyển đến theo hình thức "ship COD" (giao hàng và thu tiền hộ).
Tuy nhiên, khi kiểm tra hàng, anh phát hiện chiếc hộp đựng Galaxy A70 còn "nguyên seal", trong khi quảng cáo nói là hàng trưng bày. Tem mác trên hộp giống như vừa được dán đè lên, số IMEI và mã hiệu khi kiểm tra thì lại là của sản phẩm có tên Galaxy A7 đời 2018. Gọi lại cho số điện thoại tư vấn trước đây, nhân viên dập máy ngay sau khi nhận thông tin. Anh Việt đã quyết định không nhận gói hàng.
Vỏ hộp chiếc máy được giao đến cho anh Việt, dù còn nguyên seal nhưng tem dán khá lỗi. |
Trên một số hội nhóm về công nghệ, nhiều thành viên cũng đã bị lừa bởi các quảng cáo như trên.
Thủ đoạn chung đều là lợi dụng tên tuổi của các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Shopee, Lazada, đồng thời đánh vào tâm lý thích mua hàng giá hời của người Việt. Kẻ xấu đã xây dựng niềm tin bằng cách lập các website với tên miền dễ gây nhầm lẫn,như Voucher Shopee 24h, Lazada Smart Life... đồng thời "nhái" cả nội dung lẫn giao diện.
Để thu hút khách hàng, những tổ chức này còn lập nên các fanpage trên Facebook sao chép nguyên nội dung của Shopee hoặc Lazada, sau đó chạy quảng cáo hướng người dùng truy cập vào website đặt hàng mà họ lập ra. Chỉ cần có số điện thoại, một nhân viên telesale sẽ gọi điện tư vấn, lôi kéo người dùng "chốt đơn".
Theo anh Quang Hưng, một chuyên gia về thương mại điện tử, thủ đoạn này không mới nhưng ngày càng tinh vi, khiến người dùng dễ mắc lừa. Ngoài việc xây dựng một hệ thống bán hàng chuyên nghiệp, các tổ chức này còn đánh trúng tâm lý thích mua hàng giá rẻ và đặt giá ở mức 3-4 triệu đồng cho một chiếc điện thoại - đây là số tiền mà người dùng dễ dàng chấp nhận và đặt mua ngay mà không cần suy nghĩ. Bên cạnh đó, do đặc thù của ship COD là không cho bóc seal, người dùng sẽ không thể biết được chất lượng sản phẩm trước khi "xuống tiền".
Theo anh Hưng, xu hướng mua hàng online phát triển kéo theo loại hình lừa đảo này cũng nở rộ. "Một trang landing page (trang đích của quảng cáo, để khách vào xem và đặt hàng) có thể thiết kế và code trong 1-2 ngày là xong. Khi kết hợp cùng hình thức quảng cáo qua Facebook, Zalo hoặc Google, họ có thể kéo khách đến ngay mà không cần mất thời gian xây dựng thương hiệu." anh này chia sẻ.
Một trang quảng cáo được thiết kế bắt mắt để dụ người dùng đặt hàng. |
Theo thông tin trên Fanpage mà anh Hữu Việt nhắc đến, trang này mới được lập khoảng một tuần, đang chạy gần 40 quảng cáo với các nội dung "xả kho - giảm giá" tương tự. Các mặt hàng được dùng để hút khách đều là những smartphone được ưa chuộng như iPhone 8 Plus, Galaxy A70, Oppo F11 Pro... với mức giá từ 3,4 đến 4,5 triệu đồng.
Lưu Quý