Đêm 30/9, mưa lớn kéo dài ở xã Lượng Minh, huyện miền núi Tương Dương. Lúc 22h20, lũ ống xuất hiện từ trên khe Mạt đổ về Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lượng Minh và Trường Mầm Non Lượng Minh, ở bản Minh Tiến.
Trong 20 phút, nước đã gây ngập một mét. Hầu hết phòng học, nhà ăn, sách vở, bàn ghế, đồ dùng của học sinh bị ngấm nước, hư hỏng.
Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lượng Minh, cho biết lúc xảy ra lũ ống có hơn 300 người gồm giáo viên và học sinh đang trú tại các dãy nhà hiệu bộ và ký túc xá, rất may sơ tán kịp thời.
Do nước lũ dâng quá nhanh, cán bộ, nhân viên nhà trường không kịp xoay xở để di chuyển hết đồ dùng, thiết bị lên vị trí cao.
Sáng 1/10 nước đã rút, song để lại lớp bùn dày 10-20 cm, nhà trường đang dọn dẹp, dự kiến việc khắc phục kéo dài khoảng hai ngày. Các học sinh được cho nghỉ học để phụ huynh đón về nhà.
Theo ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch xã Lượng Minh, ngoài lũ ống, đêm qua địa bàn xảy ra nhiều vụ sạt lở gây hư hỏng đường sá, chia cắt 4 bản gồm Đửa, Minh Tiến, Minh Thành, Chằm Puông. Khoảng 80 hộ dân bản Đửa sống ở vùng nguy cơ xảy ra lũ ống và lũ quét, đã phải sơ tán đến nơi an toàn, đề phòng sự cố.
Lượng Minh là xã vùng sâu của huyện Tương Dương, tuyến đường chính chạy dọc sông Nậm Nơn, hai bên sông có nhiều nhà dân sinh sống. Hai hôm nay, địa bàn có mưa lớn.
Tại xã Lưu Kiền, trận mưa kéo dài hơn 3 tiếng đêm qua cũng khiến nước từ khe suối dâng cao, gây sạt lở khiến quốc lộ 7A, đoạn từ ngã ba Khe Kiền đến bản Pủng bị ách tắc. Lực lượng chức năng đã căng dây, huy động phương tiện san gạt, đến 5h ngày 1/10 đã thông tuyến.
Nhà của một hộ dân ở bản Pủng cũng bị đất đá từ đồi sạt vào gây hư hỏng. Xã Lưu Kiền đã vận động họ di dời tài sản đến nơi khác tránh trú.
Lũ ống chỉ xảy ra ở miền núi, nơi có nhiều dãy đồi núi đan xen và kéo dài, giữa chúng là các thung lũng gắn liền với khe suối, sông nhỏ.
Ở khe suối, sông nhỏ chảy qua hai bên sườn đồi thung lũng thường bị khép lại khiến đường thoát nước hẹp và co thắt ở một điểm. Khi mưa lớn, nước không kịp thoát tại điểm co thắt khiến mực nước dâng nhanh, tạo dòng chảy xiết phía dưới, sinh ra lũ ống.