Ngày 11/10, một trận lũ ống bất ngờ đổ xuống thôn Chiềng, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân (Thanh Hoá). Gia đình anh Vi Văn Chiến (28 tuổi) đang ở trong nhà thì lượng lớn đất đá trên núi ập xuống làm ngôi nhà bị sập. Anh Chiến và đứa con hai tuổi không kịp thoát thân nên bị vùi lấp, tử vong.
Cùng thời điểm, tại xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân cũng xảy ra vụ sạt lở gây sập nhà dân, khiến chị Lê Thị Hà (43 tuổi) tử vong và một người khác trong gia đình bị thương. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hai người đi vào rừng làm nương rẫy nhưng đã hai ngày vẫn chưa liên lạc được.
Ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, cho biết mưa lũ đang diễn biến rất phức tạp, sạt lở đất phổ biến ở các vùng đồi núi. “Nhiều thôn bản đã bị cô lập trong lũ. Chính quyền địa phương đang nỗ lực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả”, ông Xuân cho hay.
Chiều 11/10, tại huyện Lang Chánh, hàng trăm người dân và các lực lượng công an, biên phòng, quân đội đang được huy động đến hiện trường tìm kiếm hai cán bộ Đồn biên phòng Yên Khương bị nước lũ cuốn trôi vào tối 10/10. Phạm vi tìm kiếm đã được mở rộng hàng chục km nhưng vẫn chưa có kết quả.
Lang Chánh cũng là huyện có nhiều xã đang bị nước lũ chia cắt, cô lập hai ngày nay. Lực lượng chức năng đang nỗ lực tiếp cận để hỗ trợ lương thực và sơ tán người dân đến nơi an toàn trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, do nước lũ về rất mạnh khiến giao thông nhiều nơi bị tê liệt.
Tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đang có sáu thôn ở xã Tượng Sơn bị ngập trong lũ sau khi hồ Yên Mỹ xả lũ. Trưa nay, nhiều gia đình đã phải sơ tán do nước tiếp tục dâng cao. Lũ cũng khiến một người đàn ông ở xã Công Chính bị cuốn trôi chưa tìm thấy.
Cũng trong ngày 11/10, tại xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân một người đi đánh cá ven sông Chu đã bị lũ cuốn mất tích. Tính đến chiều nay, tại Thanh Hóa đã có bốn người chết, sáu người mất tích do mưa lũ.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, do mưa lớn kéo dài kết hợp với xả lũ hồ Cửa Đạt (huyện Thường Xuân) khiến mực nước sông Chu và sông Mã lên rất nhanh, nhiều nơi cao hơn mức báo động 3 gần một mét.
Lũ đổ về cuồn cuộn trên sông Âm ở Lang Chánh (Thanh Hoá).
Trên sông Bưởi đoạn chảy qua các huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc, lũ cũng đã lên xấp xỉ báo động 3. Chính quyền các huyện này đã huy động hàng trăm người túc trực hộ đê.
Từ ngày 9 đến 12/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to. Lũ sông lên cao làm hàng loạt đê điều, đập ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội gặp sự cố. Các tỉnh miền núi Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. Thống kê đến chiều 12/10, có 53 người chết, 21 người mất tích. Con số này chưa dừng lại bởi nhiều khu vực đang bị mưa lũ chia cắt, chưa thể tiếp cận. |