Lũ ống ở huyện Mường La (Sơn La). Nguồn: Báo Sơn La
Trận mưa lớn kéo dài đêm qua đến rạng sáng nay khiến thị trấn Ít Ong, xã Nặm Păm (Mường La, Sơn La) xuất hiện lũ ống.
Tại thị trấn Ít Ong, lũ ống, lũ quét đã cuốn trôi 10 ngôi nhà ở bản Hua Na, làm sạt lở 8 nhà dọc suối Nặm Păm. Cầu Nặm Păm bị trôi, khiến bản Chiềng Tè bị cô lập. Huyện đã bố trí đất ở cho 32 hộ của bản Nà Lo, Hua Nà bị lũ cuốn trôi nhà.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai Sơn La, đến 11h30 ít nhất ba người chết, tám người mất tích và hai người bị thương; 46 nhà bị cuốn trôi và đổ sập hoàn toàn; 12 nhà có nguy cơ sạt lở.
Giới chức địa phương đã di dời dân tại ngôi nhà bị cuốn trôi đến nơi an toàn. Tỉnh cũng huy động 100 cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.
Tại Yên Bái, đêm qua và rạng sáng nay ở Mù Cang Chải có mưa, khoảng 6h xuất hiện lũ ống làm ít nhất hai người chết, 13 người mất tích, sáu người bị thương. 26 ngôi nhà bị cuốn trôi, 14 nhà đổ sập hoàn toàn.
"Chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến đợt lũ quét lớn như thế", chị Đỗ Thị Minh Huệ, người dân ở Mù Cang Chải nói và cho biết mưa đêm qua không quá lớn, có thể lớp đất đá vẫn còn "no nước" từ đợt mưa kéo dài cả tháng trước đó.
Lũ ống ở Mù Căng Chải (Yên Bái). Video: Tùng Nguyễn
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà và đoàn công tác đang trên đường đến hiện trường để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ngày 2/8, mưa lớn còn khiến một người chết do sét đánh ở Bắc Kạn; hai người ở huyện Mường Tè (Lai Châu) mất tích do bị đất đá sạt lở vui lấp khi trên đường đi làm nương. Nhiều ngôi nhà tốc mai, hàng chục gia cầm bị cuốn trôi. Tại Điện Biên, sạt lở gần 30.000 m3 quốc lộ và hơn 16.000 m3 tỉnh lộ.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, mưa ở Tây Bắc còn kéo dài đến hết 6/8, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với xoáy thấp phát triển. Tổng lượng mưa cả đợt từ (2-8/8) khoảng 250-350 mm. Những nơi có nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái.
Lũ ống là gì? Lũ ống thường xảy ra trên các lưu vực nhỏ, miền núi, nơi có địa hình khép kín bởi các dãy núi bao quanh và chỉ thông với bên ngoài bằng các hang, khe hoặc suối nhỏ, hẹp có bờ dựng đứng (dạng ống). Khi có mưa lớn, nước tập trung nhanh về thung lũng, dâng cao gây ngập lụt và lũ lớn tại các cửa hang, khe, suối nhỏ hẹp, rồi chuyển động nhanh chóng về phía hạ lưu. Lũ ống cũng có thể xảy ra ở những khu vực núi đá vôi, nơi thường có các hang động, hồ chứa ngầm được thông với bên ngoài bằng những cửa hang, khe núi nhỏ, hẹp. Khi có mưa lớn, nước tập trung nhanh về các hồ, động ngầm, làm mực nước dâng cao, có áp lực lớn gây ra lũ ống tại các cửa ra. Lũ ống gây ngập lụt vùng thung lũng, có sức tàn phá rất lớn khu vực phía dưới cửa ra, quét mọi thứ gặp phải trên đường đi. |