Nước ngập gây tắc nghẽn giao thông tại cầu Quảng Huế, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. |
Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, tại Quảng Ngãi, mực nước lũ trên sông Vệ tại cầu sông Vệ đạt đỉnh 5,7 m vào 21h đêm qua, cao hơn báo động 1 là 1,6 m; sông Trà Khúc tại Trà Khúc đạt đỉnh 8,08 m vào đêm qua, cao hơn báo động 3 tới 2,38 m. Lũ lên với tốc độ nhanh khiến 10 người thiệt mạng, trong đó có 4 học sinh bị cuốn trôi, 2 người chết do đi vớt củi, 1 người bị lật thuyền thúng và 3 người trên đường đi làm về đã không kịp ứng phó với lũ.
Đến sáng nay, mực nước lũ ở một số nơi đã rút 0,5 m, tuy nhiên vẫn có tới 14.950 ngôi nhà bị ngập sâu tới 1-2 m. 4.040 ha lúa và hoa màu chìm sâu trong nước và có nguy cơ giảm năng suất 40-50%. Giao thông tỉnh lộ đi qua các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh bị chia cắt, chỉ có xe lớn mới đi được. Các tuyến đường liên thôn, xã ngập sâu tới 1-2 m, bà con nhân dân phải đi lại bằng thuyền.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo tất cả các trường học cho học sinh nghỉ học từ chiều qua. 2.000 người dân tại các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn và thị xã Quảng Ngãi đã được sơ tán ra khỏi vùng ngập lụt. Tỉnh cũng đã chuyển mì tôm cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân vùng ngập.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn, lũ các sông ở Quảng Ngãi đã lên đỉnh và đang xuống, hạ lưu sông Thu Bồn thuộc Quảng Nam, sông Kôn thuộc Bình Định đang lên và ở mức cao. Dự báo, sáng nay, lũ hạ lưu sông Thu Bồn và sông Kôn sẽ lên đỉnh. Mực nước cao nhất tại Câu Lâu là 3,7 m, ở báo động 3; tại Thạnh Hoà lên 8,2 m, trên báo động 3 là 0,2 m; các sông ở Quảng Ngãi xuống dần và còn trên mức báo động 3.
Tại Bình Định
, do mưa lớn trong 2 ngày qua (lượng mưa tại Hoài Nhơn lên tới 230 m) khiến lũ trên sông Kôn lên nhanh. Mực nước lúc 4h sáng nay trên sông Kôn tại Thạch Hoà là 7,97 m, vượt báo động 3 là 0,47 m và còn tiếp tục lên. Lũ quét đã xảy ra ở một số nơi làm 6 người chết. 17 nhà dân bị sập hoàn toàn khiến các hộ này đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất.Ngoài ra, còn 3.000 nhà ngập lụt, 740 ha tôm nuôi bị mất trắng. 7.320 ha lúa và hoa màu bị nước ngập trắng xoá. Đặc biệt 96 trường học ở Bình Định đang chìm trong nước, nhiều tuyến giao thông tỉnh lộ bị chia cắt khiến việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Tại Quảng Nam, lượng mưa ở Trà My lên tới 313 mm, Ba Tơ là 364 mm. Mưa lớn khiến nước lũ lên nhanh. Lúc 4h sáng nay, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 8,33 m, sông Thu Bồn tại Câu Lâu là 3,56 m, ở mức dưới báo động 3 và còn tiếp tục lên. Huyện Nam Trà My và Đại Lộc có 3 người chết do bị sạt lở đất và lũ cuốn trôi.
Giao thông từ trung tâm tỉnh lên vùng cao bị ách tắc do sạt lở đất, đường và cầu bị sập. Quốc lộ 1A qua địa bàn thị xã Tam Kỳ - Thăng Bình nhiều điểm nước đã băng qua đường. Tại thị xã Hội An, nước đã ngập sâu ở khu phố dọc sông.
Tại Thừa Thiên - Huế, mực nước lũ trên sông Hương tại Huế đã đạt đỉnh 2,15 m lúc 11h hôm qua, trên báo động 2 là 0,15 m; sông Bồ tại Phú Ốc đạt đỉnh 4,28 m lúc 9h sáng qua, dưới báo động 3. Lũ đã gây ngập những vùng trũng của các huyện vùng hạ lưu sông Bồ và Hương. 1 thanh niên ở huyện Phong Điền bị lũ cuốn trôi.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, hôm qua Thủ tướng đã có công điện gửi các bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Thủy sản, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Bưu chính Viễn Thông, Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định yêu cầu:
- Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định yêu cầu các Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương chống lũ; chủ động bảo vệ, di dời các kho tàng ra khỏi nơi có thể bị ngập nước; tổ chức sơ tán dân ở những vùng trũng, vùng nguy hiểm như cửa sông, ven biển và những nơi có nguy cơ sạt lở đất; tăng cường kiểm tra các tuyến đường giao thông và vùng ngập lũ; tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời; có phương án bảo vệ các hồ chứa nước; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng đối phó với lũ lớn có thể xảy ra.
- Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn khu vực miền Trung chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, phối hợp lực lượng vũ trang đang đóng quân trong khu vực, sẵn sàng thực hiện cứu hộ, cứu nạn khi lũ lớn xảy ra.
- Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương và các bộ ngành, liên quan theo dõi sát tình hình diễn biến mưa lũ; có các phương án cụ thể sẵn sàng đối phó với tình huống xấu về mưa lũ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Như Trang