Nhiều khu vực ở Maiduguri, bang Borno, bị ngập nước sau khi đập Alau cách thành phố 20 km tràn bờ vào cuối tuần, nhấn chìm toàn bộ nhà cửa xung quanh. Theo cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR), đây là trận lũ nghiêm trọng nhất ở Maiduguri trong 30 năm qua.
Giới chức ngày 10/9 cho hay nước lũ đã giết hơn 80% động vật hoang dã trong vườn thú quốc gia Sanda Kyarimi, đồng thời đẩy các loài nguy hiểm như cá sấu, rắn vào khu dân cư.
Video ghi cảnh một con đà điểu lội qua con đường ngập nước ở Maiduguri đã được chia sẻ rộng rãi mạng xã hội Nigeria. Manzo Ezekiel, phát ngôn viên Cơ quan thảm họa Nigeria (NEMA), ngày 11/9 cho biết chính quyền đang cố gắng giải cứu số động vật này.
"Tôi tin tưởng ban quản lý sở thú đang không nghỉ ngơi, tận lực cứu những con vật còn sống bởi những con sổng chuồng có thể gây nguy hiểm cho người dân", ông nói.
UNHCR ước tính 280.000 người bị ảnh hưởng ở Maiduguri và 200.000 người trong thành phố phải sơ tán.
Một trong số các cổng xả lũ của đập Borno bị vỡ, khiến lưu lượng nước tăng đáng kể và làm tình hình lũ lụt xung quanh nghiêm trọng hơn, cơ quan này cho biết. Ông Ezekiel cho hay "nước lũ chảy mạnh" và "nghiêm trọng hơn dự báo".
"Chúng tôi không ngờ lượng nước lớn đến thế tràn vào thành phố", ông nói.
Theo dữ liệu mới nhất của NEMA, ngập lụt kéo dài nhiều tuần tại nhiều vùng ở Nigeria đã khiến 229 người chết, hơn 386.000 người phải sơ tán. Miền bắc Nigeria là nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Cơ quan khí tượng Nigeria NIMET trước đó cảnh báo nguy cơ lũ quét khắp đất nước sau các đợt mưa lớn. Tháng trước, Cơ quan dịch vụ thủy văn Nigeria (NIHSA) cảnh báo nước sông Niger dâng cao, kêu gọi các địa phương thận trọng bởi đây là một trong những con sông lớn nhất Nigeria.
Các sự kiện mưa lũ sẽ xảy ra thường xuyên hơn, cực đoan hơn trên khắp châu Phi trong bối cảnh các hoạt động của con người gây biến đổi khí hậu, làm hành tinh nóng lên, theo dự báo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), cơ quan Liên Hợp Quốc.
Hồng Hạnh (Theo CNN, AFP)