Ngày 19/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh. Mực nước cao nhất hôm qua trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,66 m, sông Tiền tại Tân Châu đạt mức 2,81 m, lần lượt tăng 17, 18 cm so hôm trước và 22, 28 cm so ngày 16/9.
Trong những ngày tới, lũ thượng nguồn đổ về kết hợp kỳ triều cường khiến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh. Đến 22-23/9, mực nước cao nhất tại trạm Tân Châu lên xấp xỉ báo động 1 (3,5 m), tại Châu Đốc đạt 3,1-3,2 m (vượt 10-20 cm so báo động 1).
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo nguy cơ ngập lụt ở các vùng trũng thấp, ven sông, ngoài đê bao tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và các vùng hạ nguồn Đồng bằng sông Cửu Long. Các địa phương đề phòng tình trạng sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các vùng xảy ra ngập lụt.
Trong khi đó, Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam dự báo mực nước lũ nội đồng vùng thượng của đồng bằng sông Cửu Long từ 19-22/9 phổ biến dưới mức báo động 1. Tại Long Xuyên và Vàm Nao (An Giang) vượt báo động 2. Mực nước tại các trạm vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long phổ biến ở mức báo động 2-3. Riêng tại Cần Thơ và Mỹ Thuận, Cao Lãnh vượt báo động 3.
Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam nhận định xu thế lũ tăng do mưa lớn từ bão Yagi trên sông Mekong hiện dịch xuống khu vực Campuchia làm mực nước lũ tại trạm Kratie tăng mạnh những ngày qua, hôm nay đạt 19,9 m. Điều này khiến lưu lượng lũ thượng nguồn đổ về đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc tiếp tục tăng trong tuần tới.
TS Dương Văn Ni, Giám đốc Mạng lưới 24 trường Đại học Đất ngập nước khu vực sông MeKong, cho biết lượng nước đầu nguồn theo sông Mekong về miền Tây rất tốt cho hệ sinh thái. Lũ mang phù sa bồi bổ cho đồng bằng, tôm cá dồi dào và có điều kiện tốt để sinh sôi nảy nở. Nước lũ còn góp phần vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt sâu bọ gây hại, tháo chua rửa phèn.
Vì thế đối với miền Tây, sau nhiều năm "vắng bóng" nếu lũ về không đột ngột, tăng dần lên ở mức báo động 2-3 sẽ rất tốt cho hệ sinh thái và sinh kế người dân. Tuy nhiên, vấn đề lo lắng hiện nay là sau nhiều năm không có lũ, người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng như trồng cây trái, rau màu hoặc nuôi cá tôm dưới ruộng. Đồng thời người dân gieo sạ lúa vụ 3 có thể chưa thu hoạch kịp, nếu lũ về sẽ ngập úng, thiệt hại, giảm năng suất.
Theo TS Ni, thiệt hại ở các địa phương miền Tây sẽ nặng nề hơn nếu có thêm bão gây mưa nhiều ở lưu vực thượng nguồn, nước đổ về Đồng bằng sông Cửu Long bất thường. Do vậy chính quyền địa phương, ngành chức năng nên chủ động kiểm tra hệ thống đê bao, thủy lợi, sẵn sàng phương án ứng phó với lũ lớn nhằm đảm bảo an toàn vùng sản xuất, giảm tối đa thiệt hại.
An Bình