Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ hôm nay cho biết, trên sông Hậu, tại Cảng Cái Cui (quận Cái Răng), tính đến ngày 11/3, nồng độ mặn đo được luôn trên mức 2.000 mg/lít (2‰). Độ mặn đang giảm xuống nhưng sẽ tăng trở lại vào con nước rằm tháng 2 Âm lịch. Như vậy, hiện toàn miền Tây còn duy nhất tỉnh Đồng Tháp ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu chưa bị lũ mặn tràn tới.
Công ty cấp thoát nước Cần Thơ hiện có 3 nhà máy (tổng công suất hơn 82.000 m3 mỗi ngày đêm) đều nằm trong vùng nguy hiểm trong đợt hạn, mặn lịch sử này. Đơn vị này đang theo sát tình hình, chọn thời điểm nước sông có độ mặn thấp nhất, (nơi nhà máy tọa lạc) để lấy nước xử lý, cung cấp cho dân. Hiện hệ thống bồn dự trữ của đơn vị này đã tích đầy nước ngọt, đủ cho các nhà máy hoạt động vài giờ trong lúc chờ độ mặn trên sông giảm.
"Cần Thơ nên tính đến giải pháp trữ nước trên mặt và tầng ngầm; lọc mặn thành nước ngọt cho dân sử dụng giống như Singapore đang thực hiện", ông Kỷ Quang Vinh - Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ - khuyến cáo.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL, từ trước đến nay Cần Thơ chưa từng bị mặn xâm nhập. Khô hạn còn kéo dài, chắc chắn "lũ mặn" sẽ vào sâu hơn và hậu quả nặng nề hơn. Ông Tuấn cho rằng, thành phố nên có các giải pháp hiệu quả chuyển sang các loại cây tiết kiệm nước nhiều hơn; thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trong giai đoạn đầu chuyển đổi.
Trước vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống đã yêu cầu ngành nông nghiệp theo dõi sát tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn, vận hành hệ thống thủy lợi hợp lý; hướng dẫn nông dân tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên tinh thần tiết kiệm tối đa. Sắp tới, Cần Thơ sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp nước trong mối tương quan liên kết vùng. Việc xây dựng hệ thống nhà máy cấp nước của Cần Thơ phải dời lên đầu nguồn sông Hậu tại quận Thốt Nốt
Theo các chuyên gia, người dân miền Tây đã quen dựa vào lũ ngọt để sinh kế, khai thác lợi thế tăng thu nhập. Trong khi đó "lũ mặn" đặc biệt nguy hiểm bởi làm suy giảm, triệt phá năng suất, chất lượng nuôi trồng, đặc biệt là cây lúa; đe dọa an ninh lương thực quốc gia. Diện tích đất đai bị nước mặn tràn vào sau 10 năm vẫn chưa rửa sạch được, tốn nhiều chi phí cải tạo, cây trồng giảm năng suất, chất lượng.
Hiện, 8 tỉnh miền Tây bị "lũ mặn" tràn vào gây hại đã công bố thiên tai, hàng trăm nghìn ha lúa, cây ăn trái, hoa màu, vùng nuôi thủy sản bị thiệt hại. Toàn tỉnh Bến Tre đang bị nước mặn bủa vây, 88.000/350.000 hộ dân thiếu nước ngọt sử dụng phải đổi nước giếng với giá 40.000-100.000 đồng/m3. Ở các đô thị, hơn tháng qua, các cơ quan công sở, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, người dân phải xài nước máy nhiễm mặn...
Trong khi đó, nhà máy nước BOO Đồng Tâm của tỉnh Tiền Giang đang có nguy cơ phải đóng cửa trong vài ngày tới vì độ mặn trên sông Tiền quá cao. Theo tiêu chuẩn chỉ được lấy nước sinh hoạt khi độ mặn không quá 0,3g/lít nhưng mấy ngày qua độ mặn trên sông Tiền tại khu vực nhà máy nước BOO Đồng Tâm lên đến 4-5 g/lít.
Hiện, mỗi ngày nhà máy BOO Đồng Tâm cung cấp 70.000 m3 nước sinh hoạt cho thành phố Mỹ Tho và chi viện cho các huyện vùng ngọt hóa Gò Công. Trước nguy cơ nhà máy nước đóng cửa, Tiền Giang khẩn trương chuẩn bị khoan giếng, lấy nước ngầm phục vụ người dân.
Cửu Long