Lực lượng ứng phó khẩn cấp và các tình nguyện viên hôm nay phải dùng bao cát để bảo vệ bức tượng khổng lồ Lạc Sơn Đại Phật ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, khi nước lũ lần đầu tiên dâng đến chân tượng kể từ năm 1949. Lạc Sơn Đại Phật được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1996.
Tứ Xuyên , nơi sông Trường Giang chảy qua, hôm 18/8 nâng mức ứng phó khẩn cấp lũ lụt lên cao nhất để đối phó với đợt mưa xối xả mới. Giới chức cũng đã sơ tán hơn 100.000 dân.
Ủy ban Thủy lợi Trường Giang, cơ quan chính phủ giám sát dòng sông, cùng ngày ra báo động đỏ. Theo cơ quan này, nước tại một số trạm quan trắc dự kiến vượt mức "bảo đảm" chống lũ hơn 5 mét.
Dự án đập Tam Hiệp, một công trình thủy điện khổng lồ được thiết kế một phần nhằm chế ngự lũ lụt trên sông Trường Giang, sẽ chứng kiến lưu lượng tăng lên 74.000 mét khối mỗi giây vào ngày mai, mức cao nhất kể từ khi đập được xây dựng, Bộ Thủy lợi cho biết.
Đập Tam Hiệp hạn chế lượng nước chảy xuống hạ lưu bằng cách tích trữ trong hồ chứa. Tuy nhiên, hồ chứa đập Tam Hiệp vốn đã vượt mức cảnh báo hơn 10 mét trong hơn một tháng qua. Bộ Thủy lợi hôm qua buộc phải tăng lưu lượng xả lũ để "giảm áp lực kiểm soát lũ".
Lạc Sơn Đại Phật là bức tượng Phật tạc trong núi đá lớn nhất và cao nhất thế giới. Tượng cao 71 mét, vai rộng 28 mét, lông mày dài 5,5 mét, mũi cao 6 mét, tai dài 7 mét có khả năng giữ hai người bên trong. Mỗi bàn chân trần dài 11m, rộng 8,5m, đủ lớn cho hơn 100 người ngồi.
Mưa lớn cuối tuần qua đã ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người ở Tứ Xuyên. Đất nông nghiệp, giao thông, thủy lợi và các cơ sở hạ tầng ở nhiều vùng khác nhau của tỉnh đã bị hư hại. Truyền thông địa phương cho biết đây là lần đầu tiên tỉnh Tứ Xuyên phát cảnh báo cao nhất về lũ lụt.
Huyền Lê (Theo Reuters)