Sáng 10/10, nhiều người dân chạy xe trên đường ĐH 72, đến cầu Tầm Linh ở xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, phải quay lại khi nước lũ đỏ ngầu tràn qua cầu. Mưa với lượng trên 100 mm làm ngập gần một mét ở cầu Sơn Giang - Sơn Linh. Tại đây đang thực hiện dự án làm cầu mới với tổng đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, hàng chục ống bêtông nằm ngổn ngang giữa dòng nước lũ.
Tại huyện Trà Bồng, cầu qua sông Giang, nối xã Trà Tân và Trà Bùi, nước đã tràn qua. Suối Nang qua trung tâm thị trấn Trà Xuân nước chảy cuồn cuộn, hai bên bờ có kè nhưng người dân vẫn lo lắng. Lãnh đạo huyện Trà Bồng yêu cầu người dân tuyệt đối không ra suối đánh cá, vớt củi khi lũ dâng cao, chảy xiết...
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hai huyện trên yêu cầu các xã kiểm tra khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, vùng trũng thấp để di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; đồng thời chủ động vận hành các công trình thủy lợi để tiêu úng, thoát lũ.
Từ đêm qua đến sáng nay, nhiều khu vực ở tỉnh Bình Thuận mưa lớn (100-170 mm) làm một số vùng ngập nặng. Đường Trần Phú nơi có trụ sở Huyện ủy và UBND huyện Hàm Thuận Nam ngập nặng gần nửa mét. Hàng trăm học sinh ở thị trấn Thuận Nam không thể đến trường bởi trên đường nước lũ chảy xiết.
Tại xã Tân Lập, cách đó 5 km nước lũ từ hệ thống sông suối và hồ thủy lợi đổ về không kịp thoát, gây ngập hơn 50 căn nhà. Hơn 100 ha thanh long đang chong điện bị chìm trong biển nước. Trong đó, phần lớn diện tích này nông dân vừa bón phân và phủ rơm vào gốc cho lứa chạy điện. Nhiều ao cá mới thả giống của người dân bị nước lũ tràn qua, cuốn sạch.
Tại Quảng Trị, mưa lớn khiến nhiều xã ở huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa bị cô lập cục bộ, giao thông chia cắt. Sáng 10/10, tại cầu tràn vào xã Ba Lòng, huyện Đakrông, trên tỉnh lộ 588A, nhóm 7 giáo viên trường Tiểu học và THCS Ba Lòng không thể vào trường học do cầu tràn bị ngập 1-1,5 m.
Tương tự, nhiều người dân từ trung tâm huyện Đakrông không thể tiếp cận xã Ba Lòng. Hai bên cầu tràn, nhà chức trách đã căng dây, cắm biển cảnh báo nước lũ dâng cao, cấm mọi người và phương tiện qua lại.
Ông Trần Đình Bắc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đakrông, cho hay mưa lớn từ 20h tối 9/10 đến sáng nay với lượng 80-120 mm khiến các ngầm tràn bị ngập 1,2-1,5 m, 7 xã bị cô lập. Các xã đã bố trí người chốt chặn, không cho bà con và phương tiện qua lại, đồng thời tuyên truyền không vớt củi dọc sông suối.
Tại nhiều xã ở huyện Hướng Hóa như Húc, Thuận..., nước lũ chảy xiết, gây cô lập. Tại xã Húc, tỉnh lộ 587 qua thôn Ván Ri bị ngập, chảy xiết.
Từ 13h ngày 9/10 đến 13h ngày 10/10, Quảng Nam mưa rất to, phổ biến 150-350 mm, một số nơi lớn hơn như: Giao Thủy 520 mm, Câu Lâu 400 mm, Ái Nghĩa 470 mm, Nông Sơn 380 mm. Các vùng thấp trũng ở huyện Duy Xuyên, Đại Lộc bị chia cắt. Tuyến đường 14H qua xã Duy Trinh ngập gần một mét.
Trước đó chiều 9/10, anh Hồ Văn Tiến, 37 tuổi xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, cùng vợ và em gái Hồ Thị Dâu, 28 tuổi đi làm về. Khi qua sông Na, nước chảy xiết, anh Tiến và chị Dâu bị cuốn trôi.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch huyện Nam Trà My, cho biết lực lượng chức năng xã Trà Cang cùng người thân, nhân viên vận hành nhà máy thủy điện Trà Linh 1, Trà Linh 3 đã tổ chức tìm kiếm. "Hiện do nước lũ chảy xiết, nước sông dâng cao nên việc tìm kiếm gặp khó khăn. Đến chiều nay, anh Tiến và chị Dậu vẫn mất tích", ông Mẫn nói.
Ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, miền Trung mưa lớn. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, từ tối nay đến đêm mai, Trung và Nam Trung Bộ, phía bắc Tây Nguyên sẽ có mưa, riêng khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định mưa rất to (trên 100 mm/24 giờ).
Dự báo trong 12 giờ tới, lũ các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi lên báo động 2-3, có sông trên báo động 3, mức cao nhất. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi, ven sông và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định và Kon Tum.
Chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu UBND các tỉnh thành Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên theo dõi diễn biến mưa lũ, sơ tán dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Các địa phương bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại nơi có nguy cơ bị chia cắt.
Nhóm phóng viên