Đó là nhận định của ông Lê Văn Thảo, Trưởng phòng dự báo hạn ngắn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương. Ông Thảo cho hay, 13h ngày 28/10, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 650 km về phía đông đông nam. Sức gió vùng gần tâm áp thấp mạnh cấp 6-7 (tức từ 39 đến 61 km một giờ), giật trên cấp 7.
Dự báo, đêm nay và ngày mai, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Do ảnh hưởng của áp thấp, vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa có gió xoáy mạnh cấp 6-7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh.
![]() |
Bóng màu xanh là khu vực tâm áp thấp có thể đi qua. |
Ông Thảo cho biết, ngoài ra, một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam, đêm 28/10 sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ, gần sáng mai tác động đến Trung Bộ. Hình thái thời tiết này sẽ khiến Bắc Bộ trời trở lạnh, nhiệt độ giảm so với hôm nay khoảng 3-4 độ. Khu vực Hà Nội, nhiệt độ cao nhất trong ngày dao động 24-26 độ C, thấp nhất là 17-20 độ C. Dự báo, đợt lạnh này sẽ kéo dài 3-4 ngày.
Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, trọng tâm là Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, ngày mai sẽ có mưa rất to. Dự kiến, tổng lượng mưa trong 2 ngày 29-30/10 phổ biến ở mức 200-250 mm. Vùng núi ở các tỉnh trên cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất.
Ông Thảo cho biết thêm, đây là đợt không khí lạnh thứ 3 trong vòng nửa cuối năm nay. Thời gian tới, sẽ có nhiều đợt không khí lạnh, do tháng 11 là thời điểm bắt đầu mùa đông của Bắc Bộ. Còn Trung Bộ vẫn đang là mùa mưa.
Đối phó với khả năng lũ lớn ở Trung Bộ, sáng 28/10, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đã có công điện gửi Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Bộ Quốc phòng, Thủy sản, Giao thông vận tải, Tổng cục du lịch, Tổng công ty dầu khí Việt Nam, và các tỉnh thành từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu, yêu cầu tìm mọi biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, đê, tàu thuyền...
Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm nay đã ký công điện yêu cầu: 1. UBND các tỉnh, thành phố miền Trung phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo, làm tốt công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ; tổ chức di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, vùng trũng thấp có khả năng bị ngập sâu; chuẩn bị đủ lương thực, cơ số thuốc cần thiết, nhất là đối với vùng ngập sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt do mưa lũ. 2. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ đội biên phòng và các đơn vị xung kích bố trí lực lượng, phương tiện tham gia ứng cứu và xử lý các tỉnh huống khẩn cấp về mưa lũ, thiên tai. 3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục làm tốt công tác dự báo, cảnh báo về diễn biến mưa lũ, kể cả đối với các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất để các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân chủ động đối phó. 4. Các bộ ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh miền Trung trong việc phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ; xem xét, giải quyết những đề nghị cấp thiết của địa phương để sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân vùng bị thiên tai. Nếu vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng quyết định. 5. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão trung ương theo dõi chặt chẽ tình hình diến biến mưa lũ; tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt bão, thường xuyên báo cáo Thủ tướng. |
Hồng Khánh