Theo quy định, một đề án mua sắm trang thiết bị phải theo quy trình rất chặt chẽ. Đầu tiên, khoa, phòng họp toàn bộ nhân viên, đề xuất nhu cầu phải mua sắm máy móc thiết bị. Văn bản đề xuất ngoài chữ ký trưởng khoa còn phải có chữ ký của đại diện chi bộ, công đoàn. Căn cứ vào đó, giám đốc triệu tập họp đảng uỷ, ban giám đốc, công đoàn lấy biểu quyết.
Nếu tất cả đồng ý, giám đốc phê duyệt chủ trương. Trong 15 ngày, cấp trên phải có văn bản trả lời đồng ý cho phép đơn vị thực hiện mua sắm trang thiết bị. Giám đốc thành lập ban chỉ đạo đề án, phê duyệt các hội đồng giám sát, thẩm định chuyên môn, các thông số kỹ thuật, giá. Các tiểu ban xây dựng đề án.
Người đứng đầu cũng tổ chức đấu thầu công khai. Sau khi hoàn thiện thủ tục thầu, giám đốc phê duyệt đề án, gửi lên cấp trên để thực hiện giám sát. Trong vòng 15 ngày, cấp trên xem xét, nếu thấy sai sót sẽ yêu cầu đơn vị chỉnh sửa. Hoàn chỉnh các khâu trên, dự án mới được triển khai vận hành.
Bảy năm trước, đề án tôi tư vấn, ngay từ cuộc họp phê duyệt chủ trương cho đến các bước giám sát và thẩm định đã gặp nhiều khó khăn. Đến khâu chuyển đề án lên cấp trên thực hiện giám sát, bị trả lại, yêu cầu chỉnh sửa nhiều lần. Chỉnh sửa hơn một năm, cấp trên yêu cầu dừng đề án.
Tôi đã tham gia tư vấn thêm vài dự án và chúng cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tìm hiểu, tôi được biết, một cách có thể nói là dễ nhất, là chọn nhà phân phối làm đầu mối bắt tay với đơn vị để "thổi giá". Số tiền chênh lên, nhà phân phối có "nghĩa vụ" lại quả cho những cá nhân liên quan theo tỷ lệ phần trăm.
"Giám đốc là một chức vụ rủi ro", tôi đã nhận xét như vậy với đồng nghiệp. Giám đốc là người phê duyệt chủ trương, phê duyệt đề án, chịu trách nhiệm về đấu thầu công khai mua sắm - ba nội dung quan trọng nhất. Vị này đương nhiên chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu bị phát hiện sai sót.
Tôi tin số đông các nhà phân phối thiết bị chẳng ai muốn lại quả, nhưng họ vẫn làm để bán được hàng, dù có lẽ họ biết nguy cơ vướng vòng lao lý. Tôi cũng quen những giám đốc thực sự tâm huyết với sự nghiệp phát triển ngành Y. Họ nói mong muốn được cống hiến, tránh bắt tay dưới gầm bàn với doanh nghiệp.
Nhưng đến khâu thẩm định, bộ phận thẩm định dự án mua sắm vào cuộc và có thể gây khó dễ cho dự án. Nếu thổi giá để lấy tiền lại quả cho những người "khó tính" nhất mà không để lại bằng chứng đưa, nhận tiền, ít ai phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tôi cho rằng, lỗ hổng "không để lại bằng chứng" này chính là yếu tố dẫn tới hàng hàng loạt giám đốc cùng cộng sự bị truy tố thời gian qua.
Chuyện ăn chia trong mua sắm, đấu thầu không phải đến dịch Covid mới có. Những hoạt động thường xảy ra hiện tượng này có thể kể ra như mua sắm thuốc, mua sắm thiết bị y tế, mua sắm vật tư tiêu hao và sinh phẩm y tế, xây dựng và sửa chữa hạ tầng cơ sở, thậm chí lại quả trong cả quản lý tài chính.
Làm trong ngành Y, tôi thấy nhiều giám đốc mới lên hay tổ chức đấu thầu lại thuốc, mua sắm hàng loạt máy móc thiết bị, xây dựng, tổ chức sắp xếp lại đơn vị. Việc này thực ra cũng bình thường nếu nó là nhu cầu có thật. Điều không bình thường là có những hạng mục sử dụng tốt mà vẫn bị đập đi xây lại. Phòng ốc liên tục bị sửa chữa khiến cơ sở y tế chẳng khác gì công trường. Nhiều máy móc, thiết bị mua về không sử dụng. Hoặc ngược lại, như trường hợp đang bị điều tra tại Công ty Việt Á, mặt hàng có nhu cầu rất cao tại thời điểm mua sắm đã bị bên cung cứng cùng giám đốc bên mua bắt tay thông thầu, thổi giá, đưa nhận hối lộ, làm sai lệch hồ sơ.
Một kit test giá 470 ngàn đồng, Công ty Việt Á chi lót tay ngoài hợp đồng 94 ngàn, tổng số tiền Giám đốc CDC Hải Dương nhận gần 30 tỷ đồng. Có người chua chát gọi đó là "tiền ngoáy mũi". Tỷ lệ lại quả 20% quá hấp dẫn, lại thêm điều kiện cực kỳ an toàn như thực hiện ngoài hợp đồng, giá kit test đã niêm yết, hợp đồng mua bán đều từ đấu thầu công khai - chính là lỗ hổng "không để lại bằng chứng".
Thầy thuốc chúng tôi khoác trên mình chiếc áo choàng trắng, nên chỉ cần một vết đen, nó sẽ nổi bật. Chiếc áo trở nên nhơ bẩn. Những lần thổi giá, lại quả chính là vết dơ ấy. Nó không chỉ bôi xấu hệ thống y tế mà còn gây hoang mang, hao tổn niềm tin của chính người trong ngành. Cuối cùng, gánh chịu hậu quả nặng nhất chính là người bệnh.
Trong đại dịch hồi giữa năm, tôi thấy những giám đốc không dám đưa ra quyết định mua sắm công, máy móc hỏng cũng chẳng dám sửa, vì sợ phải gánh chịu trách nhiệm. Nhiều bệnh viện không thể mua được thiết bị để cứu dân, phải đi cầu cứu bên ngoài. Ai còn nhớ có những thời điểm cơ sở y tế tràn bệnh nhân, bác sĩ phải đi kêu gọi quyên góp trên trang cá nhân từ cái găng tay, khẩu trang, bộ đồ bảo hộ... đến bữa ăn hàng ngày của nhân viên y tế tuyến đầu cũng do nhà hảo tâm giúp. Phải chăng, căn nguyên cũng từ lỗ hổng mang tên "lại quả"?
Chống tham nhũng không thể đợi khi lũ tràn về mới be bờ đắp đập. Be bờ bằng cách nào? Theo tôi, biện pháp trước mắt là bịt các lỗ hổng "không để lại bằng chứng" nhận tiền như hành vi thổi giá lấy tiền chi lại quả, còn lâu dài vẫn là các giải pháp toàn diện.
Đầu tiên, phải thiết lập hàng rào pháp lý đủ mạnh như tăng cường điều tra phát hiện vi phạm, tăng mức hình phạt, gắn quyền lợi và trách nhiệm pháp lý với từng vị trí trong mua sắm công. Thứ hai, xây dựng cơ chế giám sát đa tầng, đảm bảo giám sát thực sự chứ không phải khó chỗ này nhưng dễ chỗ kia. Thứ ba, chấn chỉnh hệ thống bệnh viện, thực hiện cải cách y tế triệt để.
Cuối cùng, tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa của tham nhũng không chỉ là con người hay cơ chế mà là sự mất mát về đạo đức. Thấy vàng trên đường ít người tung tăng bỏ đi. Vì vậy, đại dịch cũng là cơ hội định hình lại nền tảng đạo đức, đặc biệt trong quản trị hệ thống dịch vụ công gồm y tế. Nếu be bờ chưa kín, đạo đức là tấm lưới cuối cùng ngăn tham nhũng.
Đạo đức là nền tảng của kiến trúc thượng tầng. Củng cố nền tảng mới rút được lửa từ đáy chảo.
Trần Văn Phúc