Hà Linh -
Trái ngược với nhầm tưởng của công chúng rằng Byron là một nhà thơ khép kín, ghét sự ngưỡng mộ của người đọc, thực tế, những bức thư chỉ ra ông cũng rất thích thú khi được tôn thờ. Nhà thơ từng sáng tác để tán tỉnh độc giả. Ông cũng mời mọc họ họa lại thơ trêu ghẹo của mình.
Những bức thư trao đi đổi lại khoảng năm 1812 - 1814 giữa Byron và những người hâm mộ vừa được Corin Throsby - một học giả tại Đại học Oxford đưa ra nghiên cứu một cách hệ thống.
Phần lớn các bức thư được viết ngắn gọn với ngôn ngữ có phần lộn xộn. Nhiều trang viết bày tỏ tình cảm nồng nàn nhưng tác giả của chúng nài nỉ nhà thơ đốt đi, vì kiểu bộc lộ tâm tình đó rất khó được chấp nhận trong thế kỷ 19. Tuy nhiên, Byron phớt lờ lời thỉnh cầu của các độc giả nữ. Ông giữ chúng lại như một chiến tích, một bằng chứng đối lập với những quan điểm coi ông là nhà thơ sống khép kín.
Trong khi những lá thư của những quý bà, quý cô nổi tiếng như Lady Caroline Lamb gửi đến cho Byron từng được công bố thì 45 bức thư mà Byron nhận được từ các độc giả vô danh khác đến nay mới được hé lộ.
Chân dung Lord Byron. Ảnh: Wiki. |
Bà Throsby, người đã chép tay tất cả những bức thư của các tác giả không rõ danh tính gửi đến cho Byron cho biết, họ đều là những người rất say đắm với văn chương. "Đó là sự tuôn trào cảm xúc cá nhân. Nhiều người làm thơ, một số người khác lại đồng nhất Byron với nhân vật trữ tình trong thơ của ông. Có những độc giả còn kể câu chuyện riêng của mình và bày tỏ cảm giác dễ chịu khi viết thư cho Byron. Rất nhiều thư được chú thích bằng dòng chữ đầy ngượng ngùng rằng: 'Ông có thể làm ơn đốt lá thư này sau khi đọc xong chứ'. Việc Byron giữ lại các bức thư chứng tỏ ông thực sự quan tâm đến việc mọi người nghĩ gì về sáng tác của mình", Throsby nói.
Một phụ nữ tự nhận mình là Echo đã viết cho Byron bức thư đầu tiên với tư cách là người có sẵn mối đồng cảm với thi nhân, người có khả năng hàn gắn trái tim tan vỡ vì chuyện tình riêng của ông. Nhưng ngôn ngữ trong bức thư thứ hai đã hé lộ sự bạo gan hơn gấp bội. Cô gợi ý nhà thơ về một cuộc hò hẹn ban đêm và tự mô tả mình như một kẻ sẵn sàng lợi dụng thể xác người khác.
"Hãy để sự tò mò dẫn lối cho ông và đừng ngại ngần trong việc thỏa mãn sự tò mò ấy. Ông hãy một mình đến công viên Green Park lúc 7 giờ đêm nay. Ông sẽ được gặp Echo ở đó. Nếu đêm nay mọi thứ không thuận lợi, cơ hội thứ hai sẽ đến với ông vào đêm mai, cũng bằng giờ đó, ở địa điểm đó. Nếu sự lãnh đạm và thờ ơ cản bước chân ông thì xin được từ biệt vĩnh viễn", bức thư của Echo viết.
Ngày 15/71817, trong một bức thư gửi cho John Murray - đại diện nhà xuất bản của mình, Byron viết: "Tôi đồ rằng, trong cuộc đời mình, tôi đã nhận được ít nhất 200 - không, phải 300, lá thư giấu tên - bày tỏ tình yêu, mối đồng cảm văn chương, hỏi xin lời khuyên, sự an ủi với vô số chuyện, bằng vô số hình thức".
Tiến sĩ Jane Stabler, một học giả về Byron ở Đại học St Andrews cho rằng, những lá thư giấu tên này trước đây chưa từng được khảo sát một cách kỹ lưỡng. "Việc Byron lưu giữ thư từ của độc giả là điều rất quan trọng. Rõ ràng là ông cũng hứng thú trước sự ngưỡng mộ đối với bản thân mình. Nhà thơ giả vờ không quan tâm đến thư của người đọc nhưng lại nỗ lực giữ lại tất cả những gì mọi người viết về mình", Stabler nhận định.
(Nguồn: Independent)