Nhiều ý kiến phản đối cho rằng nếu làm như vậy là đã găm vào não những đứa trẻ tư tưởng háo danh bệnh hoạn. Với tư tưởng háo danh được nuôi dưỡng ngay từ mầm mống và có hệ thống như vậy, chúng ta thật khó hy vọng vào một tương lai tử tể. Có thật vậy không?
Trước khi trả lời câu hỏi này tôi muốn kể lại hai câu chuyện về giáo dục mà tôi đặc biệt ấn tượng. Ở trường tiểu học Mỹ, các em học sinh muốn làm lớp trưởng phải thực hiện một buổi biện luận các kế hoạch tương lai của mình. Em nào biện luận tốt nhất theo quan điểm của giáo viên nói riêng và giáo dục Mỹ nói chung sẽ là người chiến thắng. Trước mỗi hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra, người ta tổ chức một Hội nghị G7 cho thiếu nhi – nơi những đứa trẻ được tập làm chính khách để nói lên những suy nghĩ, giải pháp và khát vọng về tất cả những vấn đề mà chúng quan tâm.
Có phải những đứa trẻ trong hai câu chuyện này đều đã bị nhồi nhét tư tưởng háo danh bệnh hoạn? Theo quan điểm cá nhân tôi, háo danh hay không không nằm ở một chức vụ, một danh xưng, mà nằm ở cách người ta cơ cấu, ứng xử với chức vụ, danh xưng ấy.
Sẽ là háo danh nguy hiểm nếu đồng hành với việc tạo ra một chủ tịch hội đồng là những tung hô, ca tụng quá đà quanh nó. Sẽ là đại háo danh nguy hiểm nếu vị chủ tịch hội đồng ấy tồn tại bất biến qua hết ngày này đến ngày khác, học kỳ này đến học kỳ khác, ngay cả khi không hoàn thành nghĩa vụ của chủ tịch. Nhưng chắc chắn cái trạng thái háo danh nguy hiểm sẽ chuyển hoá thành một nhận thức tốt nếu vị chủ tịch này được bầu một cách dân chủ, thông qua những màn tranh biện công khai. Trạng thái háo danh nguy hiểm ấy sẽ chuyển thành một vận động tích cực nếu những chủ tịch tí hon được rèn giũa ý thức có trách nhiệm với lời mình nói, có tâm lý dám làm, dám chịu, rồi dám từ chức hoặc bị cách chức nếu nói hay hơn làm trong một thời gian đủ dài của một nhiệm kỳ, dẫu chỉ là nhiệm kỳ lớp 1.
Nhưng để tạo ra những hoạt động thực chất và có tác động tử tế lên đầu óc một vị chủ tịch - một công dân tương lai của đất nước, thì môi trường giáo dục buộc phải thay đổi. Tư duy giáo dục áp đặt, cưỡng bức phải được thay thế bằng tư duy mở; lối học sách vở, nhồi nhét quá đà phải được thay thế bằng lối học thực chất, và đặc biệt là học đi đôi với hành. Và trên tất cả, những người quản lý trực tiếp vị chủ tịch tí hon này - những thầy/cô giáo chủ nhiệm phải công tâm, đủ tầm vóc và đủ sự tinh tế trong mỗi đánh giá, quyết định nhân sự của mình.
Nếu song song với việc tạo ra một chủ tịch Hội đồng tí hon, chúng ta cải tạo được môi trường, tư duy giáo dục tương ứng thì chúng ta sẽ được chứng kiến một sự tập tành ý nghĩa của những công dân tương lai trong một mô hình dân chủ và dân sự đầy mơ ước. Ngược lại, nếu mọi thay đổi chỉ dừng ở góc độ danh xưng, còn nền giáo dục "thầy đọc trò chép", "thầy ép trò chịu" vẫn được duy trì theo kiểu thâm căn cố đế thì đúng là mọi thay đổi, cải cách càng làm con bệnh trở nên đau đớn hơn.
Tâm lý háo danh vốn là con đẻ của một nền nông nghiệp lúa nước với những quan hệ kinh tế - xã hội nhỏ lẻ, manh mún gói gọn trong tứ phía tre làng. Trong đặc thù xã hội như thế, dù cũng có những bậc cao nhân đi theo sự học để thoả mãn khát vọng kiến thức và lương tâm như Lê Quý Đôn và Chu Văn An, thì phổ biến vẫn là học để thoả mãn giấc mơ danh vọng cho một gia đình, một dòng họ, một làng quê.
Nguyễn Bính, nhà thơ chân quê chính hiệu từng viết về giấc mơ của một anh lái đò nghèo khó. Anh mơ một ngày mình đỗ làm quan trạng, và việc làm đầu tiên, choán ngập cuộc đời của vị tân quan này là tổ chức một đám cưới thật to. Trong giấc mơ này người ta thấy được vẻ đẹp thuần khiết và thật đáng yêu của một hồn quê, nhưng cũng thấy rõ khát khao chức tước gắn liền với thoả mãn vật chất và danh vọng bé mọn quanh mình.
Bây giờ, nếu chúng ta thực hiện thành công một cuộc cách mạng giáo dục - nơi mà những đứa trẻ bỗng nhiên được làm "quan", nhưng không phải là những ông/bà "quan" như kiểu giấc mơ anh lái đò thì tôi tin chắc tương lai dân tộc sẽ có ngày cất cánh.
Phan Đăng