Chị Nguyễn Bích Nga, hội trưởng Hội Văn hóa Phụ nữ người Việt tại Frankfurt (MiFaFa), cho hay lớp tiếng Việt ra đời vào đúng ngày 20/11/2011, chỉ 5 tháng sau khi hội thành lập.
Ngoài việc chia sẻ những kinh nghiệm trong công việc, cuộc sống, trao đổi kỹ năng nuôi dạy con cái, sinh hoạt văn hóa văn nghệ giữa phụ nữ, chị Nga cho rằng hội cũng cần đi đầu trong việc dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ hai trên đất Đức.
"Qua đó, các cháu không chỉ sử dụng tốt hơn tiếng Việt trong gia đình mà còn góp phần gìn giữ tiếng mẹ đẻ và văn hóa dân tộc", chị nói với VnExpresss.
Ý tưởng này của chị nhanh chóng nhận được sự đồng tình từ các phụ nữ trong hội cũng như cộng đồng người Việt ở địa phương. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, họ gặp không ít khó khăn từ tìm địa điểm mở lớp, bố trí thời gian dạy, đến chuẩn bị tài liệu, đạo cụ giảng dạy.
"Chúng tôi không có sách dạy tiếng Việt nên các giáo viên đều phải tự soạn giáo trình sao cho phù hợp với trình độ của các cháu sinh ra và lớn lên ở đây", chị Nga kể.
Hầu hết trẻ em ban đầu đến lớp đều là do bố mẹ yêu cầu hoặc ép đi học. Tuy nhiên, sau vài buổi học bỡ ngỡ, các em đều tìm được niềm vui trong ngôn ngữ mới rồi dần hứng thú với các giờ học tiếng Việt vào mỗi chủ nhật hàng tuần của MiFaFa.
Để tham gia lớp, mỗi học sinh chỉ góp 5 euro vào chi phí nước uống và đồ dùng học tập chung. Các khoản chi phí khác đều hoàn toàn do MiFaFa tự túc.
Quán xuyến và giảng dạy cho 3 lớp học với tổng cộng 40 học sinh, từ 7 đến 16 tuổi, là một đội ngũ giáo viên tâm huyết gồm các cử nhân đại học, các du học sinh. Họ tình nguyện dạy không lương với mong muốn duy nhất là gieo tình yêu với tiếng Việt và quê hương vào lòng các em.
Do đó, ngoài tiếng Việt, trẻ em còn được học về văn hóa Việt Nam từ những điều giản dị nhất như cách chào hỏi, nói năng, ứng xử, cho đến các phong tục, lễ Tết truyền thống của dân tộc.
Ba người phụ nữ đứng đầu MiFaFa là chị Bích Nga và hai hội phó Thanh Thảo và Minh Thu đều từng là những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp nên mảng văn hóa văn nghệ cho trẻ em cũng đặc biệt được chú trọng.
Đến với lớp tiếng Việt, các em còn được học múa, hát và chơi các nhạc cụ như đàn bầu, đàn tranh, guitar, piano. Các đêm văn nghệ do học sinh và phụ nữ trong hội biểu diễn luôn tạo ra không khí vui tươi và gắn kết cho cộng đồng người Việt ở Frankfurt.
"Các cháu có cơ hội thể hiện mình nên bạo dạn, tự tin hơn nhiều so với trước khi tham gia vào lớp học. Các phụ huynh cũng rất vui vì khi về nhà, các cháu biết chào hỏi và nói chuyện với bố mẹ bằng tiếng Việt nhiều hơn, hiểu tiếng Việt hơn", chị Nga chia sẻ.
Hầu hết trẻ em sinh ra và lớn lên ở Đức chỉ có thể nghe và hiểu không trọn vẹn tiếng Việt trong gia đình. Việc đọc và viết bằng tiếng Việt nằm ngoài khả năng của các em. Do đó, các bậc phụ huynh rất mong mỏi và cố gắng tạo điều kiện để các con tham gia lớp học vào cuối tuần.
"Bố mẹ em bận đi làm, không có thời gian dạy tiếng Việt nhưng em rất muốn học tốt tiếng mẹ đẻ để dịp hè về Việt Nam có thể nói chuyện thật nhiều với ông bà và gia đình", Phi Long, 15 tuổi, lớp 9, chia sẻ. "Em rất vui khi đến lớp còn quen được nhiều bạn bè người Việt".
Dù mỗi tháng lớp chỉ có 2-3 buổi học, hiện các học sinh thuộc lớp lớn đều có thể đọc và hiểu hết những bài tiếng Việt đơn giản và đang dần đi sâu vào các chủ đề khác nhau. Lớp của các học sinh nhỏ tuổi vẫn đang được giảng dạy theo chương trình cơ bản.
"Chúng tôi luôn cố gắng để các cháu sinh ra và lớn lên ở đây hòa hợp được cả hai nền văn hóa và không bị mất đi nguồn cội của mình", chị Nga nói và cho biết sắp tới, MiFaFa sẽ tổ chức thêm lớp tiếng Việt mới vì nhiều phụ huynh có nguyện vọng cho con đi học.
Anh Ngọc