Thứ sáu, 26/4/2024
Thứ năm, 15/8/2019, 05:03 (GMT+7)

Lớp tập đi, học nói cho bệnh nhân Bệnh viện Chợ Rẫy

Từ thứ hai tới thứ sáu, nhân viên y tế lớp vật lý trị liệu Bệnh viện Chợ Rẫy hướng dẫn bệnh nhân sau đột quỵ tập đi, tập nói, cầm nắm đồ vật.

Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân bị tai biến, tai nạn giao thông... tới điều trị phục hồi vận động. Các lớp trị liệu nơi đây đã duy trì hơn 20 năm.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng Khoa, cho biết vật lý trị liệu là phương pháp không dùng thuốc mà sử dụng lực cơ học, chuyển động và các liệu pháp thủ công, liệu pháp tập thể dục, liệu pháp điện cùng các kỹ thuật vật lý như xoa bóp, thủy trị liệu, điện trị liệu, nhiệt trị liệu, laser trị liệu… nhằm điều trị, phục hồi chức năng vận động cho người bệnh.

"Các bài tập được chọn lọc từ các nước có kinh nghiệm thực hành kỹ thuật mới trong phục hồi chức năng như Mỹ, Nhật, Australia và các nước châu Âu", bác sĩ Khoa nói.

Tại lớp trị liệu, bệnh nhân được kỹ thuật viên hướng dẫn những bài tập cơ bản, từ khởi động cổ, vai, sau dần tăng tốc những động tác kéo giãn cơ và kết thúc là thư giãn và nghỉ ngơi.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương, 31 tuổi (trái) được kỹ thuật viên hướng dẫn vận động tay, chân bằng cách giữ và lăn bóng giúp máu được lưu thông tốt, tránh teo cơ, cứng khớp.  

Bố của chị - ông Nguyễn Duy Cường (ngồi phía sau) - cho biết, Hương từng là điều dưỡng viên của Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. "Từ nhỏ, con gái tôi bị dị dạng mạch máu não. 5 năm trước, cơn tai biến mạch máu não khiến miệng nó không nói được, liệt nửa người. Gần một năm nay tôi đưa cháu đến Bệnh viện Chợ Rẫy để tập vật lý trị liệu. Mỗi tuần tập một lần, còn lại là tập tại nhà", ông kể.

Anh Hoài Hận (25 tuổi), quê Tiền Giang được kỹ thuật viên tập cơ chân. Anh Hận cho biết hơn hai tuần trước, anh bị gãy xương chậu và đứt dây thần kinh chân trái do tai nạn giao thông. Từ đó, anh tới lớp vật lý trị liệu. "Một tuần tôi tập 5 buổi, từ 7h30 đến 10h. Thời gian đầu, phải chống nạng hoặc nhờ người đưa đến bệnh viện, sau bác sĩ thông báo dây thần kinh đã dần phục hồi nên tôi tự đi bằng xe ôm", anh chia sẻ.

Ông Bùi Nguyễn Thế Vinh (53 tuổi) được bác sĩ hướng dẫn tập đi trong phòng. Ông Vinh là giám đốc một công ty dược tại TP HCM. Vào một buổi sáng cách đây 7 tháng, ông đột nhiên đau đầu, buồn nôn, miệng ú ớ không nói thành tiếng, người nhà đưa vào viện cấp cứu. Kết quả chụp CT phát hiện ông bị xuất huyết não phình túi động mạch. Trong thời gian nằm viện, tay chân ông bị suy yếu không cử động, lưỡi thụt, miệng không nói được.

Ông Vinh tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Chợ Rẫy suốt 6 tháng. Hiện ông đã nói rõ hơn, hai tay khỏe, có thể cầm nắm mọi thứ, chân phải cử động nhẹ. Khi di chuyển, ông chống gậy hoặc nhờ người dìu.

Bác sĩ Trần Đức Duy động viên ông Vinh về nhà tập luyện bằng những mẩu chuyện cười. "Tôi nghĩ điều quan trọng nhất trong công việc này là sự gắn kết giữa bác sĩ với người bệnh và người nhà. Đó là ba yếu tố để giúp người bệnh lạc quan, nhanh chóng hồi phục để hòa nhập với cuộc sống thường ngày", bác sĩ Duy có gần 20 năm kinh nghiệm về vật lý trị liệu, tâm sự.

"Mẹ tôi tập ở đây 2 năm rồi do xương sống bị lệch và tập cho khỏe, kéo dài tuổi thọ. Ngày nào hai mẹ con cũng đi từ sáng tới trưa", chị Trần Thị Thanh, ngụ quận 11, chia sẻ, trong lúc ngồi chờ mẹ -  bà Bùi Thị Ngợi (87 tuổi) đạp xe.

Ông Phạm Thanh Huy (49 tuổi) được nữ bác sĩ hướng dẫn bài tập cầm, nắm đồ vật. "Tôi bị tai biến liệt cả người, tay chân không cử động được, sau một thời gian được các bác sĩ hướng dẫn và bản thân tự tập luyện, tôi đã có thể đi lại và sinh hoạt hàng ngày cơ bản", người đàn ông 4 năm tập vật lý trị liệu, kể.

Ông Võ Minh Huy (63 tuổi), tập luồn vòng tròn qua một sợi dây kẽm để phục hồi sự khéo léo của cơ tay. Ông Huy bị liệt vận động và chức năng nói do đột quỵ.  

Trong phòng âm ngữ trị liệu, ông Huy được kỹ thuật viên hướng dẫn bài học phục hồi khả năng giao tiếp, ngôn ngữ. 

Kỹ thuật viên Minh Hiền, người phụ trách dạy bệnh nhân tại phòng âm ngữ, cho biết rối loạn ngôn ngữ thường gặp ở những bệnh nhân bị tổn thương não do đột quỵ, chấn thương sọ não hoặc viêm não. Việc dạy ngôn ngữ, dạy nuốt cho một bệnh nhân không đơn giản như tập cho một em bé đang tuổi tập ăn tập nói.

Giữa trưa 13/8, lớp trị liệu vãn dần bệnh nhân, bác sĩ Duy cùng đồng nghiệp theo dõi kết quả chụp X-quang xương chân của một bệnh nhân bị tai nạn giao thông đang được điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu. Hiểu rõ tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, các bác sĩ mới chọn được bài tập vật lý trị liệu phù hợp và hiệu quả.

Sau khi nghiên cứu xong phim X-quang và bệnh án, bác sĩ Duy cùng các kỹ thuật viên thảo luận, thực hành các kỹ thuật xoa bóp, tập vận động cho nam bệnh nhân bị tai nạn giao thông.

Hiện nay, tại Việt Nam, các trường y và bệnh viện đều có chuyên ngành vật lý trị liệu. Vật lý trị liệu can thiệp ở mọi giai đoạn cuộc đời, vừa phòng bệnh vừa chữa bệnh. Phương pháp can thiệp của vật lý trị liệu là các tác nhân vật lý không sử dụng thuốc như vận động liệu pháp, rèn luyện chức năng tại chỗ, trị liệu bằng tay, bằng điện... Hiện cả nước có khoảng 3.000 nhân viên vật lý trị liệu được đào tạo chính quy.

Thành Nguyễn - Cẩm Anh