Không ai muốn kính mắt bị phủ hơi nước hay sương mù, nhưng hầu hết các giải pháp chống sương mù hiện nay không thể duy trì liên tục mà phải thường xuyên thực hiện lại. Nhóm chuyên gia tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, phát triển phương pháp mới giúp kính polycarbonate không bao giờ phủ sương và có thể tự làm sạch, New Atlas hôm 22/2 đưa tin.
Trong phương pháp mới, đầu tiên, các nhà khoa học xử lý kính (hoặc bề mặt nhựa khác) bằng plasma oxy. Thao tác này vừa làm sạch kính, vừa tăng độ bám dính của một lớp màng mỏng trong suốt dùng để phủ lên bề mặt kính trong giai đoạn sau.
Màng trong suốt này gồm hai lớp là silicon dioxide và titanium dioxide, được phủ lên kính thông qua kỹ thuật lắng đọng laser xung. Cụ thể, các nhà nghiên cứu dùng laser làm bốc hơi từng lớp vật liệu trong một buồng chân không. Khi silicon dioxide và titanium dioxide bay hơi lên trên, chúng sẽ đọng trên tấm kính ở phía trên cùng của buồng chân không.
Giống như các lớp phủ chống sương mù khác, lớp phủ này hoạt động bằng cách khiến các giọt nước tí hon đọng trên kính lan ra thành một màng đồng nhất có thể dễ dàng nhìn xuyên qua. Nó thực hiện điều này chỉ trong vòng 93 mili giây sau khi giọt nước chạm vào màng.
Các thử nghiệm cho thấy lớp màng có thể chống mài mòn khi bị cọ xát với loại vải thưa bọc phô mai (một kỹ thuật kiểm tra khả năng chống mòn tiêu chuẩn). Màng cũng vẫn bám vào mặt kính khi dán băng dính lên rồi bóc đi. Ngoài ra, khi kính đã qua xử lý tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời (hoặc nguồn sáng cực tím khác), titanium dioxide sẽ được kích hoạt và phân giải các chất ô nhiễm hữu cơ như hạt bụi bẩn và vi khuẩn.
"Các kết quả thu được chứng minh sự đa năng của lớp phủ mới. Nó có thể chống phản chiếu, chống sương mù và tự làm sạch. Bên cạnh đó, phương pháp chế tạo cũng nhanh chóng và dễ thực hiện với độ bền cao", nghiên cứu sinh Sun Ye, tác giả của nghiên cứu mới, cho biết.
Thu Thảo (Theo New Atlas)