Hàng triệu năm tiến hóa khiến loài động vật săn mồi đáng sợ nhất đại dương không còn lớp da nhẵn nhụi. Thay vào đó, cá mập có lớp da hơi thô ráp giúp giảm lực cản. Dựa trên đặc điểm này của cá mập, các nhà nghiên cứu phát triển AeroShark để ứng dụng ở bề mặt của máy bay lớn.
Hàng triệu chiếc gai hình thấu kính trên bề mặt màng AeroShark không cao hơn 50 micromet nhưng đủ tạo ra khác biệt về mức tiêu thụ nhiên liệu. Hãng hàng không Thụy Sĩ tính toán, nếu sử dụng 950 m2 màng cho máy bay Boeing 777 theo mô hình đặc biệt, thẳng hàng với dòng khí quanh thân máy bay và bề mặt vỏ động cơ, lực cản giảm bớt sẽ kéo theo mức tiêu thụ nhiên liệu giảm 1,1%.
Do đó, hãng hàng không Thụy Sĩ dán màng AeroShark cho tất cả 12 máy bay Boeing 777 của hãng, giúp tiết kiệm 4.800 tấn nhiên liệu máy bay phản lực một năm, đồng thời giảm 15.200 tấn khí thải CO2. Trước đó, Lufthansa thông báo sẽ triển khai lớp màng trên đội máy bay chở hàng của hãng và 10 máy bay Boeing 777, giảm 3.700 tấn nhiên liệu và bớt 11.700 tấn khí thải CO2 mỗi năm.
Nhóm phát triển AeroShark cho biết lớp màng sẽ hiệu quả hơn một chút với máy bay chở hàng không có dãy cửa sổ. Theo họ, lớp màng rất dễ dùng, cực bền trước bức xạ cực tím, nước, dầu, nhiệt độ cao và thay đổi áp suất đối với bề mặt máy bay đường dài. AeroShark đã được thử nghiệm trong hơn 1.500 giờ bay trên một chiếc Boeing 747-400. Sử dụng lớp màng trên bề mặt cánh cũng giúp tạo thêm lực nâng.
Công ty Lufthansa Technic và BASF đang làm việc để phát triển thêm công nghệ và ứng dụng trên nhiều loại máy bay khác. Theo nhóm nghiên cứu, lớp màng mô phỏng da cá mập có thể giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải tới 3%.
An Khang (Theo New Atlas)