'Lớp lý trưởng mới' biểu hiện ra sao?
Tuyên bố này trở nên có giá trị khi mà thời gian gần đây liên tục xuất hiện các vụ việc “nóng” tại nông thôn khi giữa người dân và chính quyền phát sinh mâu thuẫn - tiêu biểu là vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm.
Nhưng rộng hơn, nó gợi ra một bức tranh lớn, khi chính quyền cấp cơ sở không thể lắng nghe và giải quyết các nguyện vọng của nhân dân.
Biểu hiện của tình trạng này, là các lá đơn khiếu nại vượt cấp. Đó là một vấn đề dai dẳng trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo ở nước ta nhiều năm qua.
Theo một báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 10/2016, thì tới thời điểm đó, Thanh tra chính phủ đã nhận được 15.135 đơn, thư. Nhưng trong đó chỉ có 4.112 đơn đủ điều kiện xử lý (chiếm 28,6%). Phần lớn còn lại, là các lá đơn vượt cấp, sai thẩm quyền, không đúng nội dung...
Báo cáo này cũng khẳng định một trong những nguyên nhân quan trọng là quản lý cấp cơ sở.
“Việc quản lý đất nông nghiệp, đất công ích (5%) của cấp xã còn buông lỏng, nhiều nơi cho thuê đất trái thẩm quyền, người được nhận thuê đất tự ý chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất”.
Cần lưu ý rằng có tới 70% số vụ khiếu nại tố cáo ở nước ta là liên quan đến đất đai.
Cho đến khi tình trạng khiếu nại vượt cấp không còn nhức nhối, thì lúc đó, mới có cơ sở tin rằng các cán bộ cơ sở thiếu trách nhiệm - hay là "lớp lý trưởng mới" theo cách gọi của Thủ tướng - không còn tồn tại.