"Khó khăn nhất của họ khi khiêu vũ là định hình không gian", huấn luyện viên Tô Văn Hòa của Câu lạc bộ khiêu vũ của người khiếm thị Hà Nội (Solar Club) nói.
Ba năm trước, Tô Văn Hòa nhận lời tham gia một dự án rèn luyện thể lực cho người khiếm thị. Là một người mắt sáng dạy khiêu vũ cho người mù nên huấn luyện viên 35 tuổi khá bối rối trong những buổi đầu. Sau rồi anh tưởng tượng mình cũng là người mù để hiểu cái khó của họ, truyền đạt như kể một câu chuyện, kiên nhẫn lặp đi lặp lại. Hòa ngắt điệu nhảy thành từng nhịp, chia nhỏ ra để người học dễ hình dung, đồng thời trực tiếp sửa từng động tác, tư thế.
Sau ba tháng, dự án kết thúc, các học viên trong nhóm nhắn cho thầy "ước gì được học tiếp". Anh quyết định mở lớp học miễn phí, tuần hai buổi cho họ. Lớp học đặt căn phòng hơn 20 m2, trên tầng ba, trụ sở hội người mù quận Đống Đa.
"Người mắt sáng có thể tham gia nhiều hoạt động để rèn thể chất, nhưng người khiếm thị thì không", anh nói lý do mở lớp. Từ hơn 10 học viên, lớp nay đã có hơn 30 người.
Cứ sáng thứ 4 và thứ 6 hàng tuần, Phạm Văn Quảng, người bị mù và ba ngón tay mất đốt do tai nạn bom mìn từ năm 14 tuổi, lại di chuyển 13 km từ nhà ở Thanh Trì đến học khiêu vũ ở lớp thầy Hòa. Anh được bình chọn là người chăm chỉ nhất, chưa nghỉ buổi nào.
Trước đây, anh Quảng bắt hai chặng xe ôm, một chặng xe buýt đến lớp học, sau đó chuyển sang xe ôm công nghệ. Từ ngày Covid-19 bùng phát, anh Quảng thuê xe ôm phổ thông, cả đi và về mất gần 200.000 đồng.
"Mỗi điệu nhảy với tôi như đang bước vào một giấc mơ. Tôi từng nghĩ chắc mình không thể học nổi khiêu vũ, thế mà giờ Chachacha, Samba hay Tango.... điệu nào cũng biết", anh nói.
Lần đầu đến lớp, anh Quảng rơi vào đủ tình huống dở khóc, dở cười. Không nhìn thấy người nhảy bên cạnh, lại chưa biết giữ khoảng cách, thi thoảng cả nhóm va vào nhau, vấp vào nền vạch mấp mô, ngã thành đống. Nhiều người vì hăng say nhưng chưa kiểm soát được bước nhảy mà va người vào cạnh bàn, ghế.
Để hạn chế sự cố, các học viên sử dụng các ký hiệu. Khi đổi bạn nhảy, học viên nam nhắc người nữ vỗ tay thế nào để họ biết bước tới. Anh nào bước đến mà bạn nữ vẫn quay lưng vào mình thì vỗ nhẹ cánh tay, hoặc đụng vào hông để bạn biết. Nếu chỉ hai đôi nhảy, những người còn lại chủ động di chuyển về phía cạnh bàn, ghế quanh phòng. Lỡ bạn chạm vào, họ sẽ kịp đẩy ra, tránh chấn thương.
"Đến đây, tôi được rèn luyện thể lực và giao lưu với mọi người nên hoạt bát, khỏe khoắn hơn rất nhiều. Ở đây, chúng tôi chung hoàn cảnh, cùng mục tiêu, nên thoải mái chia sẻ", anh Quảng nói.
Chị Đỗ Thúy Hà, chủ nhiệm Solar Club cho biết, ban đầu, chị chỉ định tập khiêu vũ để rèn sức khỏe. Mẹ chị gàn: "Mày cứng như khúc gỗ, sao mà tập". Tuy nhiên, nay chị mang những video clip về khoe, bà mẹ cũng bất ngờ vì con gái "nhảy chẳng khác người thường".
"Chúng tôi muốn qua hoạt động của CLB truyền cảm hứng cho mọi người. Có những việc chúng ta nghĩ rằng mình không thể làm được, nhưng nỗ lực, dồn tâm huyết, nhất định thành công", Hà nói.
Anh Hòa cho biết, bản thân được rất nhiều khi dạy khiêu vũ miễn phí cho người khiếm thị. Không chỉ tình cảm đặc biệt các học viên dành cho mình, anh học được từ họ sự kiên trì, quyết tâm. Có người đến lớp vài buổi, anh tưởng sẽ chẳng thể khiêu vũ, nhưng giờ họ khiến chính huấn luyện viên cũng phải bất ngờ.
Để giữ lửa đam mê cho những học trò đặc biệt, khi Hà Nội giãn cách vì dịch, anh duy trì lớp học online. "Lần đầu tiên trong đời tôi dạy khiêu vũ online, mà lại còn cho người khiếm thị. Nhưng năng lượng tích cực mọi người tỏa ra giúp tôi tin, không khó khăn nào là không thể khắc phục", anh nói.
Ngày 4/4, Solar Club đã tổ chức thành công cuộc thi mang tên PASS (Passion Asembly of Step and Sway - Tụ hội đam mê của bước và xoay). Đây là cuộc thi khiêu vũ dành cho người khiếm thị đầu tiên ở Việt Nam.
Phạm Nga