Anh Daisuke Kuramoto là một kỹ sư máy tính chuyên phát triển tài liệu giáo dục cho một đơn vị cung cấp nội dung học điện tử. Mỗi tháng một lần, Daisuke lại trở thành Qramo, người tổ chức buổi học về lập trình máy tính cho trẻ em.
"Nếu bạn nói tôi đang dạy lập trình thì sai rồi. Tôi chỉ là một người tham gia chương trình và hứng thú với việc lập trình", Kuramoto chia sẻ. Người đàn ông 36 tuổi này đang đứng đầu tổ chức tình nguyện Otomo có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản).
Anh bắt đầu chương trình này từ năm 2008 và thành lập Otomo một năm sau đó, tuyển dụng các nhà lập trình chuyên nghiệp cùng những sinh viên theo học ngành khoa học máy tính, phụ huynh và cả những người có sở trường riêng với hoạt động này. Nhu cầu cho các lớp học lập trình ngày càng tăng, kể từ khi Bộ Giáo dục Nhật Bản xác định đây sẽ là môn học bắt buộc để sinh viên tốt nghiệp từ năm 2020.
Đa phần các lớp đang hoạt động hiện nay tại Nhật được mở bởi những trường luyện thi và tổ chức như một hoạt động ngoại khóa. Otomo là một trong những tổ chức như vậy.
Otomo mời khoảng 5 - 10 học sinh tiểu học và trung học tới buổi làm việc vào cuối tuần để các em có thể tự viết chương trình của mình. Khi có câu hỏi, tình nguyện viên sẽ đưa ra gợi ý để học sinh tự giải quyết.
Với Kuramoto, mấu chốt là để giáo viên gắn kết với học sinh và làm cùng họ thay vì chỉ đưa ra hướng dẫn. Đây cũng là điều anh mong muốn trở thành hình mẫu khi trường học giảng dạy môn lập trình máy tính. "Điều quan trọng của dạy lập trình là cho học viên tự do, sáng tạo về những gì họ muốn làm, không phải chỉ dẫn học sinh làm thế nào và làm cái gì", anh nói.
Tên của nhóm được ghép bởi hai từ trong tiếng Nhật là "otona" (người lớn) và "kodomo" (trẻ em), thể hiện mục đích của tổ chức là để người lớn cùng làm việc với trẻ em một cách công bằng. Phí tham dự Otomo thường khoảng 1.000 yen (9,6 USD), vừa đủ để chi trả cho phí cơ sở vật chất. Máy tính và các thiết bị khác được sử dụng ở đây thường là đi mượn miễn phí từ các tổ chức khác.
Khi được hỏi lý do duy trì hoạt động của buổi học trong 8 năm qua, Kuramoto chỉ đơn giản nói: "Cho vui".
"Chúng tôi thích nhìn các em sử dụng máy tính một cách vui vẻ. Khi các em vướng vấn đề, chúng tôi đưa ra chút gợi ý, giúp các em tìm ra cách lập trình chương trình mà mình thích. Điều này đủ khiến chúng tôi thấy hài lòng để tiếp tục hoạt động hiện tại", anh cho biết thêm.
Tháng 9 vừa qua, Otomo đã mời 7 em học sinh tiểu học tới công viên Yoyogi (Tokyo) để tham dự buổi học ngoài trời đầu tiên của tổ chức.
Các em nhận những chiếc máy tính bảng và được yêu cầu biên tập một chương trình tạo ảnh động ghép lại từ nhiều ảnh tĩnh. Đầu buổi, Kuramoto chỉ cho các học sinh cách sử dụng thiết bị và ứng dụng hỗ trợ rồi để các em tự quyết định xem lấy cái gì để hoàn thành yêu cầu.
"Nếu các em coi tôi là giáo viên dù chỉ một lần sẽ tạo ra suy nghĩ tôi là người sẽ dạy học sinh lập trình từ A tới Z. Vậy nên tôi bảo các em gọi tôi là Qramo, không phải thầy Kuramoto".
"Trẻ em dễ tạo ra chương trình theo cách mà giáo viên hướng dẫn. Nhưng làm vậy không cho phép trẻ tạo ra những gì mình muốn sau buổi học. Tôi muốn trẻ em nhận ra rằng máy tính là công cụ cho phép các em thoải mái thể hiện tối đa sự sáng tạo của mình".
Quan điểm này của anh được hình thành từ kinh nghiệm cá nhân trong suốt quá trình trưởng thành. Sinh năm 1980, Kuramoto lần đầu trải nghiệm lập trình máy tính khi mới 8 tuổi. Khi chơi với chiếc máy tính của cha mình, anh nhận ra mình thích tạo ra các trò chơi trên máy tính. Dù yêu thích máy tính, ước mơ của anh lại là trở thành bác sĩ, thợ mộc hoặc một nhà khảo cổ.
"Lập trình chỉ là một thứ đồ chơi của tôi. Tôi thích làm ra mọi thứ bằng chính đôi tay mình và lập trình là cách dễ nhất, tiện nhất để thể hiện bản thân mình". Vì lẽ đó, Kuramoto mong trẻ em tham dự các buổi học của anh sẽ xem lập trình máy tính là một trải nghiệm vui vẻ.
"Sẽ là một bi kịch nếu các em bị ép phải học lập trình chỉ để đạt được điểm tốt trong bài kiểm tra hay để tìm việc. Nếu bạn không hài lòng với những thứ quanh mình, bạn luôn có thể tự tạo điều mình muốn và với xã hội ngày nay thì điều đó chẳng có gì khó, bởi giờ đây mọi điều đều được kiểm soát bằng máy tính", anh tâm sự.
Hải Khanh