Thương các cháu khuyết tật không có cơ hội học hành, 16 năm qua, bà giáo Hồ Hương Nam ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội đã dùng tiền lương hưu của mình để mở lớp học tình thương, dạy chữ.
Là người gốc Huế, sau khi lấy chồng, bà Nam chuyển ra Hà Nội sinh sống và dạy học tại trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, Ba Đình. Khi nghỉ hưu, bà tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương. Trong quá trình làm công tác dân số, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” thấy trẻ tật nguyền không được đi học, bà rất thương cảm và quyết tâm mở lớp học tình thương cho các em.
Lớp học cho trẻ khuyết tật phường Yên Phụ và phố An Dương, quận Tây Hồ mở ra năm 1997 với rất nhiều bộn bề, khó khăn. Để có chỗ dạy, bà Nam phải mượn trụ sở tuần tra của cụm dân cư, khi nơi này bị dỡ bỏ để xây dựng nhà văn hóa, lớp học phải chuyển sang một phòng học của nhà trẻ. Ðến năm 2002, bà được hiệu trưởng trường THCS An Dương dành cho một phòng rộng khoảng 12 m2 để dạy học.
Những ngày đầu “tuyển sinh”, bà giáo già bị không ít người phản đối, hoài nghi vì cho rằng cho trẻ tật nguyền học chữ là điều "hoang đường"... Cách đây 16 năm, bà vận động phụ huynh mãi mới được 2 cháu đi học nhưng vẫn dạy. Chỉ mấy tháng sau bà đã có thêm 4 cháu vào lớp. Địa điểm lớp không có nay mượn trụ sở tuần tra phường, mai mượn nhà trẻ. Nhiều người dân trong khu phố nhìn bà với ánh mắt ái ngại, cho rằng bà dạy người khôn, không dạy lại đi dạy “người dở, người dại”.
Học được vài năm, trụ sở tuần tra bị phá để xây nhà văn hóa, bà Nam dắt díu học trò đến học nhờ trường mầm non, nhưng trường cũng không còn phòng nào có thể dành cho bọn trẻ. Không nản lòng, bà gõ cửa khắp nơi, năm 2002, bà được Ban giám hiệu Trường THCS An Dương cho mượn một lớp học nhỏ. Từ đó lớp học có địa điểm ổn định, khang trang.
Bỏ nhiều công đi thuyết phục, cuối cùng cũng có những học sinh được gia đình cho "nhập học". Sau một thời gian hết mình với học trò đặc biệt, gia đình các em nhận thấy con mình có nhiều tiến bộ như biết đọc, biết viết, đi học về biết chào hỏi đã rất phấn khởi. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều học sinh đến gõ cửa xin bà dạy chữ.
Ông Lưu Văn Ba, bố Lưu Hồng Dương xúc động cho biết, Hồng Dương vừa bị liệt, vừa bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ. Trước đây, tính nết Dương rất cáu gắt nhưng từ khi tham gia lớp học của bà giáo Nam, Dương trở nên thuần tính, dễ bảo. Bây giờ cháu có thể diễn đạt cho người khác hiểu ý của mình, biết các con chữ, con số và cộng trừ đơn giản. “Trên đời này thật hiếm có người như bà giáo Nam, bà như bà tiên của bọn trẻ vậy”, ông Ba bày tỏ.
Em Nguyễn Thị Thúy, 24 tuổi là học sinh lâu năm của bà giáo Nam. Từ chỗ không biết đọc, biết viết, cô bé liệt nửa người có hoàn cảnh khá khó khăn, mẹ mất sớm, em tìm thấy niềm vui và niềm tin vào cuộc sống nơi lớp học tình thương này. Thúy cũng là học sinh sau 16 năm theo học đã đạt đến trình độ cao nhất lớp là lớp 4, đọc thông, viết thạo và khá đẹp, làm toán nhẩm khá nhanh.
Điều đặc biệt là suốt bao năm nay bà giáo dạy học mà không lấy một đồng tiền công nào của phụ huynh. Không chỉ vậy, với những học sinh đặc biệt này, bà còn bỏ tiền túi mua bút viết, sách vở, bánh kẹo, bim bim để nịnh chúng học.
Bà Nam cho biết, học sinh trong lớp học này đủ mọi lứa tuổi, mỗi cháu là một dạng khuyết tật, trình độ tiếp thu khác nhau. Bà không thể áp dụng phương pháp giảng dạy trước kia vào dạy ở lớp học đặc biệt này. Tùy vào thể trạng và trình độ nhận thức của mỗi cháu mà có cách dạy cho phù hợp.
Trong lớp có trường hợp của cháu Phương Anh (9 tuổi) bị câm điếc mới theo lớp nhưng lại tiếp thu khá nhanh. Cũng rất may bà đã tham gia khóa học dành cho đối tượng này mới có thể giao tiếp dạy dỗ được. Dạy những đối tượng học sinh này mà không kiên nhẫn thì không thể dạy nổi. Có cháu bà dạy mấy tháng mà không viết nổi chữ O.
Bà không chỉ dạy chữ, mà còn dạy học sinh những lễ nghĩa thông thường như biết chào hỏi, mời chào bố mẹ, anh em, người quen; biết tự phục vụ bản thân… Từ đó, lớp học của bà tồn tại tới nay đã được 16 năm. Có những học sinh theo lớp từ ngày đầu nay đã ngoài 30 tuổi. Bà coi những học sinh này như những người thân trong gia đình.
“Ngày nào không được lên lớp nhìn thấy chúng, tôi buồn lắm, chúng khờ khạo nhưng tình cảm chân thật lắm”, bà Nam tâm sự. Vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thấy các bạn học sinh trong trường mua hoa tặng thầy cô giáo, chúng cũng để dành tiền ăn sáng để mua hoa tặng bà. Có đứa mang tặng bà cái kẹo, gói bim bim. Nhận món quà từ những học sinh học sinh thiểu năng, khuyết tật mà bà thấy rưng rưng nước mắt.
Hiện tại, lớp học tình thương có 15 học sinh, có em câm điếc, có em không chỉ liệt nửa người mà còn mồ côi, có em liệt tứ chi và có cả những học sinh đã ở tuổi 30... Để dạy được học sinh câm điếc, bà còn ra trung tâm ở Thanh Xuân, Hà Nội học ngôn ngữ ký hiệu...
Năm nay, bà giáo đã hơn 81 tuổi, chân tay đã run và giọng nói không vang như xưa, những căn bệnh tuổi già cũng đã lấy đi của bà nhiều sức lực. Nhưng bằng tấm lòng nhân ái, đều đặn, một tuần từ thứ 2 đến thứ 6, bất kể nắng hay mưa bà giáo già vẫn nhẫn nại, kiên trì lên lớp dạy những đứa trẻ đáng thương con chữ, những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Bà luôn mong ước rằng, địa phương nào cũng có lớp học như thế này để các cháu khuyết tật không bị thiệt thòi.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Hương Hương